Dự kiến, đến năm 2030, thị xã này sẽ lên thành phố trực thuộc tỉnh.
Hiện nay, thị xã Phú Thọ đang là một trong những địa phương phát triển nhanh chóng về công nghiệp những năm qua.
Với việc khu công nghiệp Phú Hà vừa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng hơn 350ha, dự án này đã thu hút hàng chục nhà đầu tư nước ngoài với tổng vốn lên tới hơn 800 triệu USD, tạo việc làm cho hơn 23.000 lao động trong và ngoài tỉnh.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, thị xã Phú Thọ sẽ triển khai công tác giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Phú Hộ, với tổng diện tích 75ha nằm trọn tại địa phận xã Phú Hộ.
Về vị trí, khu công nghiệp tại thị xã Phú Hộ cách quốc lộ 2 và trụ sở UBND xã Phú Hộ chỉ khoảng hơn 1km, đến khu công nghiệp Phú Hà hơn 2km (hướng đường Hùng Vương), đến Nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai khoảng 5,5km (hướng đường Hùng Vương), đến điểm cuối cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ khoảng 5,5km (hướng đường Quốc lộ 2, đường tỉnh 315).
>> Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam sẽ mở thêm hàng loạt khu công nghiệp mới 
Vào đầu tháng 3 vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế tại cụm công nghiệp Phú Hộ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải nhận định, cụm công nghiệp này có vị trí thuận lợi, dễ dàng vận chuyển hàng hóa, nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư. Vì vậy, thị xã Phú Thọ cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để giải phóng mặt bằng, góp phần đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp để chủ động đón đầu làn sóng đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cần được địa phương thực hiện bài bản, đồng bộ, chặt chẽ, đúng lộ trình. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hồ sơ pháp lý để có thể tiến hành cưỡng chế kiểm đếm, thu hồi đất nếu có những trường hợp cố tình không bàn giao mặt bằng.
Được biết, trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, cùng với việc được đầu tư mạnh mẽ để nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông những năm qua, thị xã Phú Thọ đang dần trở thành một đô thị trung gian kết nối khu vực trung du và miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Một số công trình giao thông quan trọng đang hiện hữu tại thị xã Phú Thọ có thể kể đến là: Điểm cuối cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 2... Các công trình này giúp cho thị xã Phú Thọ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nói riêng, phát triển công nghiệp nói chung.
Ngày 5/12/2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 22 đô thị gồm 1 đô thị loại I là thành phố Việt Trì; 1 đô thị loại II trên cơ sở nâng cấp thị xã Phú Thọ lên thành phố trực thuộc tỉnh; 9 đô thị loại IV gồm Hùng Sơn, Lâm Thao, Thanh Thủy, Hưng Hóa, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập, Tân Phú, Hạ Hòa; 3 đô thị loại IV mở rộng gồm Phong Châu, Thanh Ba, Thanh Sơn; 8 đô thị loại V thành lập mới (Vạn Xuân, Phú Lộc, Tây Cốc, Hiền Lương, Minh Tân, Thu Cúc, Hương Cần, Hoàng Xá).
Theo quy hoạch, mục tiêu phát triển đến năm 2030 là khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng; phấn đấu đến năm 2030 Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.
Thành phố lớn thứ 3 Việt Nam sẽ mở thêm hàng loạt khu công nghiệp mới 
Cận cảnh khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam chuẩn bị di dời