Thị xã trẻ tuổi nhất Việt Nam phát triển vượt bậc trong năm qua
Từ một huyện có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, địa phương này đã chủ động nắm bắt thời cơ, tạo những bước tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tại Phiên họp thứ 39, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết số 1280/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 – 2025.
Theo đó, từ ngày 1/2/2025, huyện Mộc Châu chính thức trở thành thị xã. Thị xã Mộc Châu được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 1.072,09 km2 và quy mô dân số  là 148.259 người của huyện Mộc Châu.
Sau khi thành lập, thị xã Mộc Châu gồm 15 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 8 phường: Mộc Lỵ, Mộc Sơn, Bình Minh, Thảo Nguyên, Cờ Đỏ, Vân Sơn, Đông Sang, Mường Sang và 7 xã: Chiềng Chung, Tân Yên, Đoàn Kết, Chiềng Hắc, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc.
Thị xã Mộc Châu giáp các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Vân Hồ, Yên Châu và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Mộc Châu có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Sơn La về kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng và được xác định là một trong 3 cực tăng trưởng chính của tỉnh Sơn La.
Đồng thời, thị xã Mộc Châu còn là trung tâm kết nối tiểu vùng Tây Bắc, vùng Trung du và miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, cùng đồng bằng Bắc Bộ, cả nước và quốc tế.
Theo Báo Sơn La, Mộc Châu từ một huyện có xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, công nghiệp, du lịch – dịch vụ chưa phát triển, kinh tế thuần nông là chủ yếu, Mộc Châu đã chủ động nắm bắt thời cơ, phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác mọi nguồn lực, tạo những bước tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của Mộc Châu đạt trên 7%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 355 tỷ đồng, so với năm 2015 tăng gấp 6,1 lần. Cơ sở hạ tầng từng bước được nâng cấp, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,73%.
Từ ngày 1/2/2025, huyện Mộc Châu chính thức trở thành thị xã - Ảnh: Việt Nam Hội Nhập |
Bên cạnh đó, kinh tế công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ có bước phát triển vượt bậc. Cây chè Shan sau 60 năm bén rễ đã khẳng định vị thế của mình và trở thành một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Năm 2024, diện tích trồng chè tập trung của Mộc Châu đạt hơn 2.000ha, sản lượng đạt 25.500 tấn/năm.
Bên cạnh đó, diện tích trồng cây ăn quả của Mộc Châu trong năm 2024 đạt 11.481ha, địa phương có 55 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 2 vùng sản xuất lớn ứng dụng công nghệ cao, 24 mã số vùng trồng xuất khẩu. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đến nay đạt gần 80 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài ra, Mộc Châu còn được biết đến là thiên đường bò sữa. Đến nay, địa phương có 3 nhà máy chế biến sữa; đàn bò sữa tính đến năm 2024 có hơn 27.000 con, sản lượng trên 30.000 tấn. Đặc biệt, Mộc Châu còn sở hữu nhà máy công nghệ chế biến hiện đại khép kín, mang đến nhiều sản phẩm sữa cho thị trường.
Về du lịch, dịch vụ, năm 2024, khu du lịch Mộc Châu được công nhận là Khu du lịch Quốc gia. Bên cạnh đó, 3 năm liên tiếp (2022 – 2024), Mộc Châu được công nhận là “Điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới”. Mộc Châu hướng đến phát triển du lịch , dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương với nhiều dự án du lịch trị giá hàng trăm tỷ đồng được triển khai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh yêu cầu tỉnh Sơn La và thị xã Mộc Châu tiếp tục phát huy vai trò là hình mẫu phát triển của khu vực Tây Bắc, trở thành cực tăng trưởng quan trọng trong phát triển kinh tế vùng.
Bên cạnh đó, việc phát triển cần đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, gắn kết công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới, đảm bảo chất lượng giáo dục và y tế cũng như an ninh, trật tự xã hội.
Thời điểm 'có một không hai' cho kỷ nguyên phát triển mới, vươn mình 
Việt Nam có vị thế ‘độc nhất, vô nhị’ để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực