Thoái vốn ngoạn mục ngay trước cơn bão thuế, 'cá mập' ngành may mặc cứu được hơn 7 tỷ đồng lợi nhuận
Một cổ đông lâu năm của Công ty May Sông Hồng (mã CP: MSH) – doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu lớn phụ thuộc vào thị trường Mỹ – đã hoàn tất bán toàn bộ lượng cổ phiếu nắm giữ trước khi cổ phiếu giảm sàn liên tiếp trong 4 phiên.
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp dụng mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam vào ngày 3/4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến những phiên giảm mạnh. Trong đó, cổ phiếu của Công ty May Sông Hồng (MSH), một doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu lớn phụ thuộc vào thị trường Mỹ, đã trải qua 4 phiên giảm sàn liên tiếp. Đây là mức giảm nặng nề nhất trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn sau thông tin về mức thuế mới của ông Trump.
Kết phiên giao dịch ngày 9/4, giá cổ phiếu MSH đã giảm từ 58.700 đồng/cổ phiếu vào ngày 2/4 xuống còn 43.950 đồng/cổ phiếu, cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư về tác động tiêu cực của chính sách thuế này đối với ngành dệt may nói chung và MSH nói riêng.
![]() |
Diễn biến giá cổ phiếu MSH |
Một động thái đáng chú ý là việc bà Nguyễn Thị Hạnh, thành viên HĐQT của MSH, đã bán toàn bộ 471.120 cổ phiếu của mình vào ngày 25/3, chỉ vài ngày trước khi thông tin về mức thuế quan được công bố. Sau giao dịch này, bà Hạnh không còn sở hữu cổ phiếu nào của công ty.
Động thái thoái vốn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu MSH đã tăng mạnh kể từ giữa tháng 1, đạt mức đỉnh lịch sử 62.800 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/3 và được giải thích là nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư.
Với giá đóng cửa cổ phiếu MSH ở mức 59.500 đồng/cp vào ngày 25/3 và 43.950 đồng/cp vào ngày 9/4, ước tính bà Hạnh đã ngoạn mục "bảo toàn" được 7,3 tỷ đồng lợi nhuận trong thương vụ trên.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, sinh năm 1976, với trình độ thạc sĩ kinh tế, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Ban Kiểm soát và Kiểm toán của công ty từ những ngày đầu niêm yết (năm 2018). Năm 2021, bà Hạnh được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị của MSH.
Bà Hạnh mua cổ phiếu May Sông Hồng từ trước khi công ty chính thức niêm yết trên sàn (ngày 28/11/2018), đến ngày 31/12/2018, bà Hạnh sở hữu 334.080 cổ phiếu MSH, tương đương 0,71% cổ phần công ty.
![]() |
May Sông Hồng. Ảnh minh họa |
Trong một diễn biến khác, tổ chức có liên quan của bà Hạnh – Công ty Chứng khoán FPT (FPTS), cũng là cổ đông lớn của MSH, mặc dù đã lãi lớn với khoản đầu tư vào cổ phiếu MSH, nhưng vẫn chưa có ý định chốt lời.
Cụ thể, FPTS đầu tư vào MSH từ năm 2018 và hiện đang sở hữu 6,48 triệu cổ phiếu của công ty này. Tại thời điểm 31/12/2024, công ty đã lãi hơn 485,3 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu MSH, gấp 36 lần giá mua.
Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa được tổ chức ngày 1/4, lãnh đạo doanh nghiệp bày tỏ mong muốn duy trì mối quan hệ lâu dài với MSH. Tuy nhiên, FPTS cũng cho biết có thể sẽ xem xét việc chốt lời nếu điều kiện thị trường hoặc chiến lược đầu tư thay đổi.
May Sông Hồng là một trong những doanh nghiệp may mặc chủ yếu xuất khẩu sang Mỹ, với khoảng 76,9% doanh thu năm ngoái đến từ thị trường này. Theo dự báo, nếu mức thuế 46% được duy trì, MSH cùng các doanh nghiệp trong ngành dệt may sẽ phải đối mặt với tình trạng kém cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc đối tác giảm hoặc chuyển đơn hàng sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn, như Bangladesh (thuế suất 37%) và Ấn Độ (thuế suất 26%).
Trong trường hợp thị trường Mỹ bị cắt giảm đột ngột, MSH có thể sẽ phải giảm sản lượng, ảnh hưởng đến hoạt động nhà máy và nhân công. Trong khi đó, việc chuyển hướng sang các thị trường khác ngoài Mỹ cũng không đơn giản, đòi hỏi công ty phải đầu tư thêm vào marketing, đàm phán và chứng nhận lại sản phẩm.
Để giữ khách hàng truyền thống, MSH có thể sẽ phải tính đến việc giảm giá bán hoặc chịu một phần chi phí thuế. Tuy nhiên, ngành dệt may vốn có biên lợi nhuận khá mỏng, thường dao động 12–15%, việc cắt giảm thêm lợi nhuận sẽ khiến MSH càng gặp khó khăn trong việc duy trì hiệu quả tài chính.
Vào lúc 11h01 trưa nay (9/4), mức thuế đối ứng của Mỹ áp dụng với các quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực, trong đó có Việt Nam. Thị trường trong nước nói chung và các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi thuế suất lần này đang chờ đợi những kết quả tích cực từ cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, dự kiến diễn ra trong chiều ngày 9/4 giờ Mỹ, tức sáng sớm ngày 10/4 giờ Việt Nam, để thảo luận về chính sách thuế đối ứng.
>> Jefferies mở ra tia hy vọng: Nhóm cổ phiếu xuất khẩu có cơ hội phục hồi mạnh sau áp lực thuế quan