Thông tin mới về mô hình tổ chức chính quyền địa phương
Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định theo hướng “xã trong đô thị” không tổ chức hội đồng nhân dân. Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mở rộng mô hình chính quyền đô thị
Tiếp tục chương trình phiên họp, sáng 5/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội  cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Liên quan đến mô hình tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo luật quy theo hướng mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc trung ương.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. |
Đồng thời, lần sửa đổi này cũng mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại phường của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với đơn vị hành chính ở hải đảo sẽ tổ chức phù hợp với quy mô dân số, diện tích tự nhiên, điều kiện địa lý, dân cư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Với đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội quy định khi thành lập.
Về việc mở rộng phạm vi không tổ chức HĐND ở các xã thuộc thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định như dự thảo luật là phù hợp.
“Có ý kiến đề nghị cần lý giải cặn kẽ, có tính thuyết phục hơn việc mở rộng này bởi đây là vấn đề có tác động, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các thiết chế về dân chủ ở địa phương”, ông Tùng nêu.
Nâng quyền chủ tịch UBND
Đáng lưu ý, về tổ chức và hoạt động của UBND, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định thống nhất theo hướng làm việc theo chế độ thủ trưởng. Chủ tịch UBND là người đứng đầu UBND, chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp, trước cơ quan nhà nước cấp trên và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. |
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, việc sửa luật phải đồng bộ với Luật Tổ chức Chính phủ và các luật khác. Do vậy, với các quy định mới, khi sửa đổi phải cân nhắc kỹ, đảm bảo không trái với Hiến pháp. Việc thí điểm không có HĐND ở quận, huyện vẫn chưa có tổng kết, đánh giá, vì thế cũng không nên vội vàng. Nếu quy định không tổ chức HĐND xã trong đô thị, cũng chỉ nên thí điểm.
Về mô hình tổ chức và hoạt động của UBND, theo Chủ tịch Quốc hội, thẩm quyền chung là tập thể, thẩm quyền riêng là chủ tịch UBND, nếu nâng quyền của chủ tịch UBND sẽ hợp lý hơn và không nên bỏ “chế độ tập thể”. “ Có nhiều điểm mới, rất hay nhưng cũng phải phù hợp”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về đề xuất này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, sau thời gian thí điểm, sơ kết cho thấy hiệu quả tốt, có tác động tích cực. “Xã trong đô thị không tổ chức hội đồng nhân dân thì có tác động gì? Về chính sách sẽ không ảnh hưởng. Việc nhất quán theo một mô hình sẽ tốt hơn. Đây là đổi mới có tính đột phá cho sự phát triển cũng như phương thức quản lý và phù hợp với xu thế chung”, ông Tùng nêu.
Tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, đề xuất không tổ chức HĐND ở xã trong đô thị xuất phát từ gợi ý của Ủy ban Pháp luật và sự đồng tình ủng hộ của thành phố Hà Nội.
Với mô hình "chế độ thủ trưởng", cả thông lệ quốc tế và thực tiễn tổ chức, chúng ta cũng đã thành công. Điều này góp phần đề cao trách nhiệm của chủ tịch UBND, ít phải đi xin ý kiến lòng vòng, chờ đến khi họp HĐND sẽ mất đi cơ hội.
>> Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét công tác nhân sự theo thẩm quyền 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xem xét về thành viên Chính phủ