Thứ trưởng Công Thương phân tích lý do tăng giá điện theo bậc thang
Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần thiết duy trì quy định giá điện theo bậc thang do tính chất đặc thù. Điện năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ đồng thời, lưu trữ tốn kém.
Chiều tối 6/12, trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần thiết duy trì quy định giá điện  theo bậc thang bởi tính chất đặc thù của loại hàng hóa này.
Theo ông Hải, điện năng là hàng hóa đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ đồng thời, lưu trữ điện năng tốn kém. Việc huy động các nhà máy điện theo nguyên tắc, nhà máy chào giá rẻ phát trước, đơn vị nào chào giá cao phát điện sau cho tới khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của khách hàng.
Ngoài ra, Thứ trưởng Công Thương cho rằng, giá điện theo bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới cũng áp dụng biểu giá tương tự Việt Nam. Giá điện sinh hoạt theo bậc thang đơn giản trong áp dụng, nhưng cũng phù hợp tương đối với điều kiện Việt Nam
Ông Hải cho biết, theo phương án giá được Bộ Công Thương đưa ra, giá điện các bậc thang 1-5 được tính bằng 90-180% giá bán lẻ điện bình quân hơn 2.000 đồng một kWh (mức điều chỉnh từ ngày 9/11). Trong đó, giá thấp nhất (bậc 1) khoảng hơn 1.800 đồng một kWh và cao nhất (bậc 5) là hơn 3.600 đồng một kWh, chưa bao gồm thuế VAT.
Phương án này phân bổ chi phí đến từng nhóm khách hàng sử dụng, giúp hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa. Chênh lệch giữa bậc 1 và 5 là hai lần, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, hiện, số hộ dùng điện dưới 710 kWh một tháng chiếm khoảng 98%, sẽ phải trả ít tiền điện hơn; còn các hộ dùng điện nhiều trên 711 kWh một tháng (khoảng 2%) sẽ phải trả tăng tiền điện.
Về ý kiến đề nghị nên áp dụng giá điện hai thành phần (công suất và điện năng tiêu thụ), ông Hải cho rằng cơ chế này còn mới, cần nghiên cứu, thử nghiệm kỹ lưỡng để tránh tác động tới các nhóm khách hàng dùng điện. Một số nước đang áp dụng giá điện hai thành phần nhưng chỉ dành cho nhóm sản xuất.
Vì vậy, Bộ Công thương sẽ nghiên cứu, đề xuất áp dụng thử nghiệm hai thành phần với một số khách hàng sản xuất, để có cơ sở tính giá bán lẻ điện bình quân, cũng như đánh giá tác động chi phí tới các khách hàng.
Ngoài ra, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải giải thích thêm, việc áp dụng theo thời gian dùng điện trong ngày vẫn phù hợp, góp phần tối ưu vận hành hệ thống và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hệ thống điện luôn có chênh lệch giữa thấp - cao điểm của biểu đồ phụ tải; chênh lệch lớn giữa thời gian sử dụng điện trong ngày khiến hệ thống phải có dự phòng lớn.
Một số nhà máy được đầu tư chỉ cho vận hành cao điểm, có số giờ vận hành ít nên giá rất cao. Việc điều hành hệ thống điện rất khó khăn, làm tăng tổn thất điện năng. Việc này tạo áp lực vốn đầu tư rất lớn để xây dựng nguồn điện mới chạy cao điểm, tính kinh tế toàn hệ thống thấp.
Vì vậy, trong các giờ cao điểm, để đảm bảo đủ công suất, hệ thống điện phải huy động các nhà máy tua bin khí chạy dầu hoặc nhà máy chạy dầu có giá phát điện rất cao. Từ đó, biểu giá vào giờ cao điểm cao hơn giờ bình thường hoặc thấp điểm để phản ánh đúng thực tế chi phí sản xuất.
Ngoài ra, ông Hải còn cho rằng, việc áp dụng biểu giá bán lẻ điện theo thời gian sử dụng trong ngày nhằm khuyến khích các khách hàng dịch chuyển một phần nhu cầu dùng tại giờ cao điểm sang thấp điểm, bình thường, tiết kiệm được chi phí. Còn hệ thống điện giảm phụ tải trong các giờ cao điểm, góp phần giảm áp lực vốn đầu tư xây dựng nguồn mới.
Thứ trưởng Công Thương cho rằng, nếu không áp dụng giá cao điểm vào những giờ cao điểm của hệ thống, nhu cầu công suất của hệ thống sẽ còn tăng cao hơn nữa, dẫn tới khó khăn trong cung cấp điện.
>> Giá điện tăng 2 lần/năm: EVN có thêm tỷ USD, thép, xi măng đội giá vốn 
Dự án điện tái tạo hưởng giá ưu đãi không đúng sẽ bị thu hồi lại tiền 
Lo ngại của doanh nghiệp điện gió ngoài khơi sau trúng thầu