Thủ tục visa thoáng hơn nhưng vẫn bị 'làm khó', vay vốn chịu lãi suất cao
Đối thoại với lãnh đạo TP.HCM và đại diện các bộ ngành, các công ty du lịch trên địa bàn TP.HCM cho rằng, chính sách visa đã cởi mở hơn nhưng website xin visa trực tuyến khó thao tác; ngoài ra lãi suất cho vay vẫn lên tới 14-15%/năm...
Chiều 29/8, Trung tâm Xúc tiến Thương mại TP.HCM (ITPC) tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Doanh nghiệp ngành Du lịch và chính quyền TP.HCM. Tại sự kiện, các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn đã nêu những tồn tại trong thủ tục visa, lãi suất vay vốn ngân hàng.
Ông Võ Việt Hoà, Giám đốc khối Du lịch quốc tế Công ty Lữ hành Saigontourist, băn khoăn: Sở Du lịch TP.HCM có kiến nghị nào với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan như Bộ VH-TT&DL, Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) có cơ chế miễn visa cho toàn bộ công dân khối EU, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand và Ấn Độ chưa? Qua đó, thu hút thêm khách du lịch tới Việt Nam, giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn hiện nay.
Theo ông Hoà, các nước trong diện được miễn visa theo quy định còn chưa nhiều, dẫn đến lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường có tiềm năng vẫn đang mất chi phí cao, tốn nhiều thời gian làm thủ tục. Do đó, khách quốc tế dần chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Thái Lan, Singapore.
Một ý kiến khác từ Hiệp hội Du lịch TP.HCM cho hay, khi khách xin visa trực tuyến thì website rất khó thao tác, ngôn ngữ tiếng tiếng Anh còn nhiều lỗi. Du khách nộp hồ sơ xong không nhận được kết quả theo đúng thời gian quy định, gọi điện tới cơ quan chức năng cũng không có ai nghe máy.
Phản hồi về vấn đề thủ tục visa, ông Võ Chiến Thắng, Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an TP.HCM), cho biết, những vướng mắc đã được cơ quan này ghi nhận và báo cáo cấp trên. Đề xuất mở rộng miễn thị thực cho toàn khối EU, Ấn Độ và một số quốc gia cũng được báo cáo ghi nhận.
Theo ông Thắng, tháng 8/2023 vừa qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó, các quy định liên quan tới xuất nhập cảnh. Đơn cử, nâng thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 lên 90 ngày. Thủ tục cấp e-visa được thực hiện trực tuyến, xét duyệt trong 3 ngày.
Riêng 13 quốc gia được miễn thị thực đơn phương thì du khách của những nước này được nâng thời hạn lưu trú từ 15 ngày lên 45 ngày, không giới hạn số lần xuất nhập cảnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhu cầu người dân làm hộ chiếu cũng như visa rất lớn. Có thời điểm, Phòng xuất nhập cảnh Công an TP.HCM nhận tới 10.000-13.000 hồ sơ/ngày.
"Hơn 90 người trong phòng làm ngày làm đêm cũng không kịp, sẽ bị tồn qua ngày hôm sau, dẫn đến chậm. Còn thủ tục thực hiện e-visa thuộc thẩm quyền của Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an", ông Thắng nói.
Liên quan tới tiếp cận vốn, lãnh đạo Công ty Cổ phần Du lịch Hoà Bình Việt Nam khẳng định, lãi suất đầu vào đã giảm nhưng lãi suất cho vay đầu ra vẫn cao. Có ngân hàng cho vay lãi suất 14-15%/năm; chi phí vay tốt nhất cũng 9-10%.
"Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra rất cao. Doanh nghiệp khó khăn nhưng ngân hàng quyết toán cuối năm thì ông nào cũng lãi khủng hết. Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp can thiệp, giảm chi phí vay", đại diện doanh nghiệp kiến nghị.
Trao đổi về ý kiến trên của doanh nghiệp, đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM chia sẻ, có thể doanh nghiệp đang tiếp cận vốn vay với mức lãi suất trung và dài hạn. Mức lãi suất này sẽ có độ trễ hơn trong điều chỉnh so với lãi suất ngắn hạn. Phía ngân hàng đang thực hiện tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp, nếu gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, doanh nghiệp có thể phản ánh để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ giải quyết.
Lãi suất huy động liên tục tăng, riêng nhóm big4 biến động khác thường 
Giá vàng hôm nay 27/12/2024: Thế giới tĩnh lặng, nhẫn trơn và SJC chờ bứt phá