Thủ tướng: Chúng ta đã làm rất tốt trong củng cố, nâng cấp quan hệ với các nước
Sáng 6/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác ngành ngoại giao năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính  đánh giá cao hội nghị và những kết quả ngành đã đạt được trong năm 2024 "với nhiều cảm xúc".
Phân tích tình hình thế giới, Thủ tướng cho biết bối cảnh năm 2024 các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn.
Xu hướng chung vẫn là hòa bình, hợp tác và phát triển là xu hướng chủ đạo, dòng chảy chính, đây là "cơ hội để chúng ta biến nguy thành cơ". Khoa học công nghệ, chuyển đổi số đang trở thành lực lượng sản xuất mới, mở ra cơ hội phát triển bứt phá cho các nước...
Với Việt Nam, đất nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, một tác động bên ngoài nhỏ nhưng cũng tác động lớn vào bên trong, tuy nhiên nước ta vẫn vượt lên, ổn định, phát triển và thu nhiều thắng lợi trên tất cả lĩnh vực. "Điều đó khẳng định bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, trưởng thành của đội ngũ cán bộ...", Thủ tướng nhấn mạnh. Năm 2024 đã trở thành năm đầu tiên trong nhiều năm đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu.
Thủ tướng nêu một loạt con số trong kinh tế, thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu; những thành tựu trong an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Thủ tướng cũng chia sẻ cảm xúc về công tác ứng phó và phòng chống thiên tai trong năm 2024; chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Về công tác đối ngoại, Thủ tướng khẳng định, trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao, với 3 khía cạnh là "giữ vững, củng cố và tăng cường".
Đó là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phát triển, trong đó có xử lý hài hòa, ổn thỏa một số vấn đề phát sinh nổi lên trong quan hệ với đối tác quan trọng. Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh. Tiếp tục củng cố tin cậy chính trị và nâng cấp quan hệ với các đối tác, "việc này chúng ta làm rất tốt", Thủ tướng điểm lại các mốc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam với các nước.
Không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao, thông qua ngoại giao kinh tế, ngoại giao khoa học công nghệ, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...
Thủ tướng mong muốn ngành Ngoại giao nắm chắc tình hình, chủ động, kịp thời, hiệu quả trong tham mưu Đảng, Nhà nước có phản ứng chính sách linh hoạt, phù hợp. Thủ tướng lưu ý khai thác hiệu quả những cam kết, thỏa thuận với các đối tác, biến thành nguồn lực, của cải vật chất phục vụ phát triển đất nước, với tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện". Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò của các đại sứ.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn xây dựng đội ngũ ngoại giao chuyên nghiệp hơn "vừa hồng vừa chuyên", "nghĩ sâu, làm lớn, nhìn xa trông rộng".
Thủ tướng cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vừa phải "tăng tốc, bứt phá", hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; "vừa chạy, vừa xếp hàng" để thực hiện Nghị quyết 18 trong sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tuy nhiên cũng không quá cầu toàn, không quá nóng vội. Thủ tướng cho rằng việc sắp xếp nhằm giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng; tổ chức tốt các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước.
Thủ tướng đặt vấn đề công tác đối ngoại phải làm thế nào để đưa đất nước vào bối cảnh thuận lợi nhất, vị trí tối ưu nhất trong cục diện và trật tự mới, thích ứng linh hoạt trước mọi biến động bên ngoài; làm thế nào để tiếp tục giữ vững cục diện đối ngoại rộng mở, xử lý quan hệ hài hòa, cân bằng với các nước lớn, trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược; làm thế nào để xử lý hiệu quả đồng thời hai mục tiêu chiến lược là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển.
Thủ tướng đề nghị mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể. Phải giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với tất cả các nước...
Hoạt động ngoại giao góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới trong bối cảnh mới như chíp bán dẫn, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghiệp Internet và Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành việc tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ từ Ban Đối ngoại Trung ương và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, sắp xếp bộ máy tinh gọn mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; củng cố, tăng cường và đẩy mạnh hơn nữa 3 trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân.
Xây dựng và thực hiện đề án cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngoại giao; củng cố, tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất trong và ngoài nước của ngành ngoại giao.
>>Thủ tướng: Việt Nam đủ 5 điều kiện để xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế