Thủ tướng: Không được tăng giá sách giáo khoa bất hợp lý
Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 747/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ liên quan và UBND các tỉnh, thành bảo đảm sách giáo khoa, giáo viên kịp thời cho năm học 2023-2024.
Theo công điện, thời gian qua, ngành Giáo dục, các bộ, ngành liên quan và các địa phương đã tích cực chuẩn bị điều kiện, huy động nguồn lực, trong đó, đặc biệt quan tâm tới công tác bảo đảm sách giáo khoa (SGK), đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện còn gặp một số bất cập như việc biên soạn, lựa chọn, in ấn, phát hành SGK còn chậm; ở nhiều địa phương đội ngũ giáo viên còn thừa thiếu cục bộ, số lượng giáo viên chưa đáp ứng theo quy định; chế độ chính sách bất cập...
Do đó, để đảm bảo điều kiện triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT có trách nhiệm chỉ đạo các nhà xuất bản, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK thực hiện rà soát, công tác biên soạn quy trình thực hiện và đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch về việc in, phát hành sách bảo đảm tăng chất lượng, giảm giá thành.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát công tác biên soạn lựa chọn, cung ứng, sử dụng SGK, tài liệu giáo dục của địa phương, tài liệu tham khảo theo đúng quy định; có phương án hỗ trợ sách cho các đối tượng học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh thuộc đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trước thềm năm học mới.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, cơ cấu lại bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; thực hiện linh hoạt phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên...
Về phía Bộ Nội vụ, Bộ này có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các địa phương khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại, sắp xếp, tuyển dụng giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được phân bổ, bảo đảm về số lượng và chất lượng; hướng dẫn các địa phương trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh, phải có giáo viên đứng lớp".
Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ phải khẩn trương tổng hợp nhu cầu giáo viên năm học 2023-2024 còn thiếu của các địa phương, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra địa phương thực hiện bảo đảm mức chi tối thiểu 20% ngân sách địa phương cho giáo dục theo các quy định hiện hành.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh, thành rà soát, kiểm tra đảm bảo đủ cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục trước thềm năm học mới, xây dựng kế hoạch, tuyển dụng số biên chế được giao; khắc phục tình trạng cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập giữa các cấp học và các địa bàn của địa phương; bố trí, sắp xếp giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. Trong trường hợp chưa thể tuyển dụng đủ giáo viên theo định mức, địa phương thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo quy định.
Các tỉnh phối hợp với các nhà xuất bản tổ chức việc cung ứng SGK bảo đảm chất lượng; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu sách hoặc tăng giá bất hợp lý trước khai giảng năm học mới.
Đồng thời, các tỉnh có phương án hỗ trợ SGK cho các đối tượng học sinh hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...
Bộ trưởng GD&ĐT mong được chỉ rõ 'nhóm lợi ích' trong phát hành sách giáo khoa 
Đề thi, kiểm tra môn Ngữ văn gây tranh cãi: Hệ lụy từ việc lấy ngữ liệu ngoài SGK