Thế giới

Thuế quan của ông Trump và thế cờ ‘né đòn’ của Trung Quốc: Chuyên gia giải mã cuộc chơi khốc liệt đang tái định hình thế giới

Thiên Kim 30/03/2025 17:50

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng mới đây đã chia sẻ những nhận định về phản ứng của Trung Quốc trước áp lực từ Mỹ, đồng thời dự báo về triển vọng thương mại quốc tế trong thời gian tới.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu ngày càng leo thang, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liên tục đẩy mạnh chính sách thuế quan nhằm cân bằng cán cân thương mại và tạo sức ép lên các quốc gia khác.

Trước viễn cảnh chiến tranh thương mại leo thang, nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động như thế nào? Liệu có khả năng Mỹ - Trung tìm được một thỏa thuận để hạ nhiệt căng thẳng?

Để làm rõ những vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Viện Thương mại và Kinh tế Quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân - để lắng nghe những phân tích chuyên sâu về các động thái gần đây của ông Trump và tác động đến kinh tế toàn cầu.

Thị trường đang rất quan tâm tới thuế quan “có đi có lại” (reciprocal tariffs) mà Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ triển khai ngay đầu tháng 4. Ông có thể giải thích thêm về loại thuế này, và ông dự báo ông Trump sẽ hành động như thế nào?

Thuế quan tương hỗ được áp dụng khi có sự mất cân bằng thương mại đáng kể giữa hai nước, một bên thặng dư, một bên thì thâm hụt nặng nề. Trong trường hợp này, Mỹ bị thâm hụt thương mại rất lớn với Trung Quốc, nên họ áp thuế để hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc và thúc đẩy xuất khẩu sang nước này nhằm cân bằng cán cân thương mại.

Loại thuế này thường xuất hiện khi các cuộc đàm phán thương mại không đạt được sự đồng thuận, buộc bên thâm hụt - ở đây là Mỹ - phải dùng thuế như một biện pháp trả đũa. Mục tiêu là ép Trung Quốc điều chỉnh xuất khẩu để cán cân thương mại trở nên cân bằng hơn.

Tình trạng thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc đã kéo dài suốt 40 năm qua và ngày càng trầm trọng. Dù Mỹ nhiều lần đề nghị Trung Quốc tự nguyện hạn chế xuất khẩu sang Mỹ, nhưng Trung Quốc không thực hiện mà còn gia tăng xuất khẩu. Do đó, Mỹ dùng thuế quan để buộc Trung Quốc điều chỉnh thương mại.

Bên cạnh mục tiêu cân bằng thương mại, chính quyền ông Trump cũng muốn thử phản ứng của Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không nhượng bộ, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp mạnh hơn.

Thuế quan của ông Trump và thế cờ ‘né đòn’ của Trung Quốc: Chuyên gia giải mã cuộc chơi thương mại khốc liệt đang tái định hình thương mại toàn cầu - ảnh 1

Trường hợp Trung Quốc không có phản ứng tích cực theo yêu cầu của Mỹ, ông Trump có khả năng áp dụng chiến lược “thuế leo thang” (escalating tariffs). Mức thuế sẽ được điều chỉnh tăng dần cho đến khi hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị suy giảm đáng kể, giúp Mỹ thu hẹp mức thâm hụt thương mại.

Hiện tại, mức thâm hụt thương mại giữa 2 nước là khoảng 295 tỷ USD. Chính quyền Mỹ có thể đặt mục tiêu kéo con số này xuống dưới 100 tỷ USD, thậm chí 50 tỷ USD. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng thuế đáp trả, Mỹ hoàn toàn có thể nâng mức thuế lên đến 100%, bởi mục tiêu của biện pháp này là tạo áp lực buộc Trung Quốc phải thay đổi chính sách thương mại và đích đến cuối cùng là cân bằng thương mại.

Đặc biệt, Tổng thống Trump ưu tiên sử dụng thuế quan thay vì các biện pháp bảo hộ khác như hạn ngạch hay lệnh cấm. Thuế là công cụ trực tiếp, tường minh, dễ áp dụng và dễ điều chỉnh - có thể tăng hoặc giảm ngay lập tức mà không cần những thủ tục phức tạp như đấu thầu, đàm phán hạn ngạch hay rào cản kỹ thuật.

Thuế là biện pháp hay nhất, phù hợp nhất. Thuế tương hỗ có thể kết hợp với nhiều loại thuế khác như thuế chống bán phá giá, thuế trừng phạt, thuế chống trợ cấp hay thuế chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Cho đến nay Trung Quốc đã có những hành động đáp trả khá cứng rắn, ngoài việc đánh thuế với nhiều mặt hàng của Mỹ thì còn tăng cường năng lực sản xuất trong nước và mở rộng thị trường. Ông đánh giá như thế nào về chiến lược này? Liệu chiến tranh thương mại có thể trở thành một chất xúc tác để kinh tế Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn?

Trung Quốc đang chủ động điều chỉnh chiến lược để thích ứng với áp lực từ Mỹ. Một mặt, nước này gia tăng năng lực sản xuất nội địa, mở rộng thị trường trong nước nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ, đồng thời tăng sức tiêu thụ nội địa để tránh dư thừa hàng hóa.

Mặt khác, họ tích cực tìm kiếm thị trường mới tại châu Âu, ASEAN, Trung Đông và châu Phi để bù đắp tổn thất từ thị trường Mỹ.

Hiện tại, Trung Quốc đang tránh đối đầu trực diện với Mỹ, vì điều đó có thể dẫn đến căng thẳng nghiêm trọng hơn. Họ lựa chọn chiến lược “né đòn” hơn là đối kháng trực tiếp. Cách tiếp cận này không chỉ giúp Trung Quốc hạn chế thiệt hại mà còn bảo vệ hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế.

Thuế quan của ông Trump và thế cờ ‘né đòn’ của Trung Quốc: Chuyên gia giải mã cuộc chơi thương mại khốc liệt đang tái định hình thương mại toàn cầu - ảnh 2

Trung Quốc không muốn bị coi là đang nhượng bộ Mỹ mà thay vào đó, họ lựa chọn con đường đa dạng hóa thị trường và củng cố năng lực sản xuất. Bằng cách này, Trung Quốc vừa giữ được thể diện, vừa phân tán được rủi ro.
Cuộc chiến thương mại có thể trở thành động lực thúc đẩy Trung Quốc cải tổ nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng, tìm nguồn nguyên liệu rẻ hơn, phát triển công nghệ và mở rộng thương mại sang các khu vực khác sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Mỹ, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu trước những biến động toàn cầu.

Có ý kiến cho rằng ông Trump chỉ đang dùng thuế quan làm đòn bẩy để buộc các nước nhượng bộ, ví dụ như trường hợp của Mexico và Canada. Vậy liệu có khả năng Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận hay không?

Mọi cuộc xung đột, kể cả chiến tranh quân sự, theo tôi cuối cùng đều kết thúc bằng một thỏa thuận. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn còn rất lớn.

Tôi đánh giá cách làm của Trung Quốc đang rất phù hợp với tình hình hiện tại, khi mà Trung Quốc còn đang muốn tự khẳng định mình là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, không chịu chấp nhận hoặc là không chịu ảnh hưởng đáng kể so với các biện pháp rất cứng rắn của ông Donald Trump.

Cho đến bây giờ, chúng ta thấy hai bên vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung, đặc biệt Trung Quốc không chịu lép vế trước những yêu cầu như giảm xuất khẩu sang Mỹ, mua hàng Mỹ nhiều hơn, mở cửa thị trường nhiều hơn cho hàng Mỹ hay giảm bảo hộ hàng Trung Quốc…

Nếu kéo dài, cả hai bên sẽ chịu thiệt hại lớn, buộc họ phải đàm phán. Khi đó, Trung Quốc có thể phải nhượng bộ một phần, lợi ích của Mỹ phải tăng lên bởi vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ hiện đang là lớn nhất thế giới. Hơn nữa, thỏa thuận cuối cùng phải tạo ra lợi ích bao trùm hơn tất cả những thiệt hại bây giờ.

Hiện nay, thế giới vẫn chủ yếu vận hành trong khuôn khổ hệ thống thuế quan đa phương dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những động thái của ông Trump có đang thách thức trật tự vốn có này? Và vai trò của WTO ra sao trong việc giải quyết các xung đột thương mại?
WTO hoạt động dựa trên bốn nguyên tắc chính: tối huệ quốc, đãi ngộ quốc gia, mở cửa thị trường và cạnh tranh công bằng. Những nguyên tắc này tạo ra khung pháp lý để thương mại toàn cầu vận hành một cách minh bạch và công bằng.

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Trump lại ưu tiên cách tiếp cận đơn phương, sử dụng thuế quan làm công cụ đàm phán để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Dù vậy, điều này không vi phạm hoàn toàn các nguyên tắc của WTO.

Dẫu vậy, việc Mỹ liên tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại khác có thể khiến tổ chức này suy yếu. Trước đây, các tranh chấp thương mại thường được giải quyết thông qua cơ chế của tổ chức này, nhưng hiện nay nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, lại lựa chọn phương án đối đầu trực tiếp thông qua các thỏa thuận song phương. Điều này khiến vai trò của WTO trong việc giải quyết xung đột thương mại ngày càng mờ nhạt.

Thuế quan của ông Trump và thế cờ ‘né đòn’ của Trung Quốc: Chuyên gia giải mã cuộc chơi thương mại khốc liệt đang tái định hình thương mại toàn cầu - ảnh 3

Nhưng WTO vẫn giữ nguyên giá trị trong việc thiết lập các tiêu chuẩn và nguyên tắc thương mại quốc tế. Cho đến nay những nguyên tắc thương mại thế giới vẫn có nguyên giá trị, mặc dù có thể bị các nước uốn cong hay thay đổi. Những nguyên tắc đó là căn cứ để các quốc gia biết là nước nào sai nước nào đúng.

Cho nên, mặc dù uy lực hiện không được như trước, WTO vẫn còn giá trị nhất định là tạo ra được nhận thức chung. Các quốc gia có thể tìm đến tổ chức này để giải quyết tranh chấp nếu xung đột thương mại leo thang đến mức cần đến sự can thiệp của một cơ quan trung gian.

Trong dài hạn, thương mại toàn cầu có thể sẽ vận hành theo những cơ chế mới, trong đó các khối kinh tế lớn sẽ tìm cách thiết lập những khuôn khổ riêng, thay vì chỉ dựa vào WTO.

Tuy nhiên, bất kể hệ thống nào được áp dụng, nguyên tắc cốt lõi của WTO vẫn là nền tảng quan trọng, đảm bảo một trật tự thương mại ổn định và minh bạch trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu ngày càng phức tạp.

Chủ nghĩa song phương, chủ nghĩa khu vực nổi lên có thể khiến toàn cầu hóa bị yếu đi, nhưng chủ nghĩa bảo hộ chỉ có tính chất nhất thời nên nói rằng WTO sụp đổ thì câu trả lời là không, WTO chỉ bị yếu đi. Hơn nữa, khi mà các quốc gia đã đạt sự đồng thuận cao thì WTO sẽ phục hồi và phát triển ở cấp độ cao hơn nữa.

Cuối cùng, ông có dự đoán gì về xu hướng thương mại toàn cầu trong những năm tới nếu các căng thẳng thương mại hiện tại không được giải quyết?

Căng thẳng thương mại có tác động lan tỏa, đặc biệt đến các đồng minh của Mỹ như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như các đối tác thương mại lớn như Canada và Mexico hay đối thủ Trung Quốc. Với tác động rộng như vậy, có 2 xu hướng sẽ ảnh hưởng tới thương mại toàn cầu.

Thứ nhất là giảm phụ thuộc vào Mỹ và căng thẳng thương mại sẽ gây ra những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, ở xu hướng thứ 2, thương mại vẫn sẽ phát triển và hưởng lợi từ các tiến bộ công nghệ mở ra các thị trường mới như bùng nổ thương mại điện tử, thị trường tín chỉ carbon, các xu hướng liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số… Những tác động tích cực này sẽ lớn hơn tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại.

Do đó, thương mại toàn cầu vẫn sẽ ổn định, giữ được tỷ lệ tăng trưởng của năm ngoái và thậm chí là có thể tiếp tục phát triển trong năm sau, khi mà đã có những điều chỉnh, thích nghi và nhờ việc hưởng lợi từ các phương thức giao dịch thương mại mới.

Thương mại toàn cầu đứng trước rất nhiều cơ hội để phát triển, và giá trị đặc trưng của thương mại vẫn tiếp tục hiện hữu, thậm chí còn được nhân lên nhiều lần.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Mỹ 'ra tay' với tàu Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu rung chuyển?

‘Gậy ông đập lưng ông’: Mức thuế 25% của ông Trump đang ‘dâng’ ngành ô tô toàn cầu cho Trung Quốc?

Ông Trump siết thuế Trung Quốc, doanh nghiệp Mỹ 'than trời' vì phải xoay xở đủ đường

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/thue-quan-cua-ong-trump-va-the-co-ne-don-cua-trung-quoc-chuyen-gia-giai-ma-cuoc-choi-thuong-mai-khoc-liet-dang-tai-dinh-hinh-thuong-mai-toan-cau-139240.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thuế quan của ông Trump và thế cờ ‘né đòn’ của Trung Quốc: Chuyên gia giải mã cuộc chơi khốc liệt đang tái định hình thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH