Thuộc top già hóa nhanh nhất thế giới, dân số Việt Nam có thể tăng trưởng âm trong 35 năm nữa
Ngày 10/12, Lễ phát động tháng hành động Quốc gia về Dân số năm 2024 đã được diễn ra.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Y tế, ông Trần Văn Thuấn cho biết, ba thách thức mà dân số Việt Nam đang phải đối diện là mức sinh thấp, chênh lệch giới tính  khi sinh ở mức cao và tốc độ già hóa tăng nhanh.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: “Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp".
Tỷ suất sinh năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất trong lịch sử và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo. Mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ.
Tỷ lệ tăng dân số của Việt Nam liên tục ghi nhận giảm, từ năm 1999 là 1,7% xuống còn 0,85% vào năm 2023.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, ở phương án mức sinh trung bình, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0 vào năm 2069. Ở phương án mức sinh thấp, Việt Nam sẽ đối mặt với tỷ lệ tăng dân số ở mức âm trong 35 năm nữa.
Bên cạnh đó, vấn đề về tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được kiểm soát nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ này là 112 bé trai/100 bé gái, so với năm 2022 có sự giảm nhẹ, trong khi đó tỷ số tự nhiên khoảng 105 bé trai/100 bé gái.
Ngoài ra, dân số Việt Nam cũng phải đối diện với vấn đề già hóa dân số. Năm 2011, nước ta chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.
Đến năm 2038, dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già, cứ 5 người dân sẽ có một người trên 60 tuổi.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Già hóa dân số đang tạo áp lực nặng nề lên nền kinh tế, gây ra một loạt các thách thức nghiêm trọng mà các quốc gia không thể xem nhẹ. Khi tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng, lực lượng lao động sẽ chứng kiến một sự sụt giảm đáng kể, đồng thời quỹ hưu trí ngày càng chịu nhiều áp lực và căng thẳng hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức, già hóa dân số cũng mở ra cơ hội mới cho nền "kinh tế bạc". Với đầu tư hợp lý và chiến lược thông minh, người lao động  cao tuổi có thể trở thành nguồn lực quý giá với kinh nghiệm dồi dào và sự trung thành cao.
Bên cạnh đó, già hóa dân số không chỉ là thách thức mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng công nghệ. Khi nguồn nhân lực trở nên khan hiếm, nhu cầu cấp thiết về cải tiến và đổi mới công nghệ sẽ gia tăng. Điều này thúc đẩy quá trình nghiên cứu và phát triển, dẫn đến việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Ngoài ra, dân số Việt Nam đang gặp phải một số vấn đề khác như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở tuổi chưa thành niên,...
Mục tiêu của ngành dân số là chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Do vậy, dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành đang được Bộ Y tế xây dựng, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.