Thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam từng là trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á, nay là điểm nhấn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

17-02-2024 07:00|Quỳnh Như

Không chỉ là thương cảng của quá khứ, nơi đây đã và đang “mở cửa” bầu trời, nối dài những tuyến đường bộ, đường biển...

Thương cảng Vân Đồn từng là trung tâm giao thương lớn và quan trọng của Việt Nam tồn tại từ giữa thế kỷ XII-XVIII. Thương cảng này đã đánh dấu một thời kỳ vinh quang và phát triển của đất nước. Từ nhiều thế kỷ trước, người Việt ta đã biết tận dụng vị trí địa lý độc đáo của Vân Đồn để xây dựng một cảng biển sầm uất, là nơi giao thương sôi động giữa Đông và Tây.

Thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam

Xưa kia, khắp biên thùy phía Bắc Đại Việt, rừng núi trập trùng, đường bộ hiểm trở, đường thủy thuận lợi và an toàn hơn. Vì thế người Việt, người các nước đều chọn đi lại với phương Bắc và phương Nam bằng đường thủy. Trên con đường hải vận ấy, Vân Đồn là trạm dừng chân đầu tiên.

Vân Đồn có vị trí đắc địa trong giao thương, buôn bán

(TyGiaMoi.com) - Vân Đồn có vị trí đắc địa trong giao thương, buôn bán

Quần đảo Vân Đồn nằm phía Đông và Đông Bắc vịnh Bái Tử Long, gồm 600 đảo lớn nhỏ. Trong đó có một dãy đảo dài chạy gần như song song với đất liền, ngăn thành một vụng biển kín gió, nước sâu, dòng rộng, thuyền bè đi lại an toàn.

Vì Vân Đồn có vị trí đắc địa như vậy, từ năm 1006, Duyên Biên An phủ sứ Thiệu Việp từng dâng vua Tống bản đồ hải vận từ Ung Châu đến Châu Giang với ý đồ "muốn lấy nước ta" - theo Đại Việt sử ký toàn thư. Con đường thủy này đã được người Tống nghiên cứu rất kỹ và qua lại nhiều lần.

Năm 1009, vua Lê Long Đĩnh đã xin vua Tống “được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho buôn bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng (tức Châu Khâm) thôi”. Đến năm 1012, vua Lý Công Uẩn xin cho thuyền buôn vào Ung Châu buôn bán, vua Tống chỉ bằng lòng theo lệ cũ.

Năm 1149, thời vua Lý Anh Tông, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Xiêm La, Lộ Lạc (Indonesia, Thái Lan…) vào Hải Đông (Quảng Ninh ngày nay) xin ở lại buôn bán. Vua đã cho lập trang ở nơi hải đảo, gọi là Vân Đồn, đặt nền móng cho thương cảng sầm uất bậc nhất Việt Nam.

Hình ảnh hoạt động của cảng biển Vân Đồn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Vân Đồn

(TyGiaMoi.com) - Hình ảnh hoạt động của cảng biển Vân Đồn. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Vân Đồn

Thương cảng Vân Đồn thời ấy không phải chỉ có một bến cảng mà bao gồm hệ thống các bến thuyền cổ phân bố tên các đảo ven bờ vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, kéo dài từ Quảng Yên đến Móng Cái.

Thời nhà Lý (1009-1225) đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ngoại thương nên giao thương tại Vân Đồn phát triển. Hàng hóa theo tàu nước ngoài xuất đi chủ yếu là trầm hương, ngọc trai, ngà voi, vỏ quế, sừng tê giác, vàng, bạc, đồng, diêm tiêu, hải sản biển. Hàng hóa nước ngoài nhập vào là gấm vóc. Chỉ nhà nước đảm trách hoạt động ngoại thương, tư nhân không được tham gia.

Đến thời nhà Trần (1225-1400), thị trường hương liệu thế giới sôi động, việc phát minh ra con đường hàng hải xuyên biển từ Trung Quốc đến Ai Cập đã đẩy nhịp độ buôn bán quốc tế phát triển mạnh hơn. Buôn bán ở thương cảng Vân Đồn tấp nập, mở rộng với nhiều nước châu Âu và Nhật Bản, Mông Cổ, Philippines.

Việc trấn giữ, quản lý ngoại thương vùng Vân Đồn được vua Trần giao cho các thân vương, đại thần trọng chức. Nổi bật trong số đó là Nhân huệ vương Trần Khánh Dư. Lúc này Vân Đồn được bảo vệ chặt chẽ. Rào gỗ được dựng lên quanh những nơi buôn bán và bãi biển xung yếu của đảo.

Trần Khánh Dư còn ngăn chặn quân Trung Quốc trà trộn vào bằng cách cho quân trang Vân Đồn đội nón Ma Lôi, loại nón được sản xuất từ hương Ma Lôi, Hồng Lộ (nay là Hải Dương) để dễ dàng nhận ra quân Đại Việt. Vì phần lớn người Vân Đồn làm nghề buôn nên cách ăn mặc đều giống người phương Bắc.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại: "Nhiều đoàn thương thuyền trước đây vào các cửa biển Tha, Viên ở châu Diễn, nay phần nhiều tụ tập ở Vân Đồn". Không chỉ mở rộng về địa giới hành chính, Vân Đồn từ trang được nâng lên thành một trấn, lập vào thời Trần Dụ Tông (1345), thuộc lộ Hải Đông, sau đổi là lộ An Bang.

Triều Trần đặt quan cai quản Vân Đồn như một trọng trấn gồm có quan Trấn (võ tướng nắm giữ), quan Lộ (văn quan nắm giữ) và quan Sát hải sứ (quan kiểm soát mặt biển), đặt ở đây một đội quân riêng gọi là quân Bình Hải, có nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng biển Đông Bắc, kiểm soát an ninh hoạt động ngoại thương. Dưới thời nhà Trần, thương cảng Vân Đồn phát triển hưng thịnh nhất trong suốt 7 thế kỷ tồn tại.

Vị thế độc đáo giữa dòng chảy lịch sử của Việt Nam

Đến thời Lê sơ, hoạt động giao thương của Vân Đồn đã có phần sụt giảm và kìm hãm do ảnh hưởng Nho giáo, triều đình ban hành Quốc triều hình luật có nhiều chính sách khắt khe với ngoại thương.

Thời nhà Mạc tiếp tục mở cửa thương mại nên hoạt động giao thương tại Vân Đồn hưng thịnh trở lại. Nhà Mạc cho xây dựng chùa và thành luỹ để phòng thủ. Thời Lê Trung hưng, giao thương tại thương cảng này vẫn được phát triển. Nhà Lê còn xây dựng thêm đình làng để làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cho cư dân biển như đình Cống Cái, đình Cái Làng thuộc Quan Lạn.

Cho đến cuối thế kỷ XVII, các thuyền buôn được vào sâu trong nội địa buôn bán, bến Nứa của Kẻ Chợ (Thăng Long), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) đã vươn lên trở thành các trung tâm giao thương mới. Thương cảng Vân Đồn đã không còn giữ vai trò trung tâm thương mại kinh tế nữa. Đầu thế kỷ XIX, Vân Đồn cũng đi vào giai đoạn suy thoái và không còn hoạt động.

Vân Đồn ngày nay đang tận dụng những lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Ảnh: VOV

(TyGiaMoi.com) - Vân Đồn ngày nay đang tận dụng những lợi thế, khai thác tiềm năng để phát triển đột phá về kinh tế - xã hội. Ảnh: VOV

Vân Đồn của hiện tại đã nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng đối với Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Nơi đây nằm trong xếp hạng tăng trưởng nhanh, nằm trong quy hoạch phát triển vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ, tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và trong chuỗi đô thị quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Bên cạnh đó, huyện đảo Vân Đồn nằm trên đường trung chuyển khu vực Đông Á xuống Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, nằm trong kế hoạch hợp tác "Hai hành lang một vành đai" kinh tế Việt - Trung, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore và khu vực hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng...

Dấu tích bến thuyền cổ của Thương cảng Vân Đồn với nhiều mảnh gốm vỡ được tìm thấy ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

(TyGiaMoi.com) - Dấu tích bến thuyền cổ của Thương cảng Vân Đồn với nhiều mảnh gốm vỡ được tìm thấy ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Không chỉ có vị trí giao thương đặc biệt, Vân Đồn còn có vị thế độc đáo giữa dòng chảy lịch sử của Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng. Nơi đây xuất hiện chứng tích về nền văn hóa Hạ Long được phát hiện trên các đảo của vịnh Hạ Long cũng như dọc bờ biển từ Móng Cái đến Vân Đồn.

Di tích thương cảng Vân Đồn gồm các bến thuyền cổ trên phạm vi khoảng 200km2 trong vịnh Bái Tử Long, có các bến: Cống Đông, Cống Tây, Cái Làng, Cống Cái, Con Quy, Cái Cống, Cống Hẹp thuộc các xã Thắng Lợi, Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu của huyện đảo Vân Đồn.

Các dấu tích của thương cảng xưa do thay đổi của trầm tích và bồi lắng của biển cả nay chỉ còn lại hàng triệu mảnh sành sứ, nền cũ, tiền cổ trong lòng đất cạnh bờ vụng của các bến thuyền. Năm 2003, ở bến Cống đông, Cống Tây của xã Thắng Lợi và bến Cái Làng (xã Quan Lạn) được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Sau 20 năm, quần thể thương cảng Vân Đồn được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt.

>> Tỉnh miền Nam sở hữu nhiều 'kho báu' đặc biệt, sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu cả nước

Tăng vốn 1.600 tỷ đồng mở rộng một cảng biển kết nối đường quốc lộ, đường cao tốc và trục đường ven biển

'Siêu cảng' Quốc tế Cần Giờ: Dấu ấn của TP. Hồ Chí Minh trên bản đồ vận tải biển thế giới

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/thuong-cang-quoc-te-dau-tien-cua-viet-nam-tung-la-trung-tam-buon-ban-lon-cua-dong-nam-a-nay-la-diem-nhan-cua-vung-kinh-te-trong-diem-bac-bo-d116274.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam từng là trung tâm buôn bán lớn của Đông Nam Á, nay là điểm nhấn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ
    POWERED BY ONECMS & INTECH