Thượng đỉnh BRICS nổi bật với "cái bắt tay" Nga-Trung Quốc
"Hợp tác Nga-Trung về các vấn đề toàn cầu là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường thế giới", ông Putin khẳng định trong bài phát biểu khai mạc sự kiện.
Trung Quốc và Nga cam kết thúc đẩy hợp tác vì một "trật tự thế giới công bằng", theo lãnh đạo hai nước tuyên bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS  lần thứ 16.
Cụ thể, cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan hôm 22/10, trong bối cảnh hai bên tìm kiếm động lực từ khối các nền kinh tế mới nổi này để đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do phương Tây dẫn dắt.
"Hợp tác Nga-Trung trong các vấn đề toàn cầu là một trong những yếu tố ổn định chính trên trường thế giới", ông Putin khẳng định trong bài phát biểu khai mạc sự kiện.
"Chúng tôi dự định tăng cường hơn nữa sự phối hợp tại tất cả các nền tảng đa phương để đảm bảo an ninh toàn cầu và trật tự thế giới công bằng".
Trong bài phát biểu của mình, ông Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh niềm tin vào "tình hữu nghị sâu sắc kéo dài hàng thế kỷ" giữa hai nước, theo biên bản cuộc họp do Điện Kremlin công bố.
Cuộc họp quy tụ lãnh đạo các quốc gia thành viên của BRICS – được đặt theo tên theo các thành viên sáng lập là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – một hiệp hội gồm các nền kinh tế mới nổi lớn trên thế giới khẳng định là giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo.
Năm nay, BRICS đã mở rộng lên thành 10 quốc gia sau khi Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất chính thức gia nhập. Một số quốc gia khác đã đưa ra lời đề nghị gia nhập, và khoảng 40 quốc gia dự kiến tham gia hội nghị thượng đỉnh diễn ra trong tuần này.
Tổng thống Nga Putin đã nhấn mạnh mối quan hệ song phương chặt chẽ hơn với Trung Quốc trong thông điệp gửi ông Tập Cận Bình vào ngày 1/10 vừa qua, đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
"Bất chấp bối cảnh quốc tế phức tạp, gần đây Nga và Trung Quốc đã cùng nỗ lực gia tăng đáng kể kim ngạch thương mại cũng như triển khai nhiều dự án song phương quy mô lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau", ông Putin cho biết.
Kim ngạch hàng nhập khẩu từ Nga của Trung Quốc đã giảm kể từ khi Mỹ và các đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow sau chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine vào năm 2022, với các lệnh trừng phạt cản trở khả năng thanh toán thương mại của Moscow bằng hệ thống thanh toán quốc tế.
Mặt khác, Nga vẫn là nguồn cung cấp dầu thô chính cho Trung Quốc và cả hai quốc gia hiện hợp tác chung thông qua một lượng lớn các dự án liên quan đến năng lượng trong cả nhiên liệu hóa thạch và năng lượng tái tạo.
Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng vọt, đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 11,25 tỷ USD vào tháng 9. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống xuất khẩu do các công ty phương Tây rời khỏi Nga để lại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov hôm 22/10 khẳng định với tờ báo Serbia Politika rằng "sẽ có những diễn biến quan trọng" tại hội nghị thượng đỉnh liên quan đến việc thành lập cơ chế thanh toán chung của BRICS.
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí về một kế hoạch phát triển toàn diện cho hợp tác kinh tế Trung-Nga kéo dài đến năm 2030 và nhằm mục đích thúc đẩy khối lượng thương mại song phương và hợp tác năng lượng.
Bên cạnh đó, tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải được tổ chức tại Kazakhstan vào tháng 7, hai nhà lãnh đạo cũng đã tái khẳng định cam kết bảo vệ một thế giới đa cực.
>>Tổng thống Nga Putin đưa ra 'tiêu chuẩn' cho quan hệ quốc tế
Thủ tướng rời Hà Nội, đến Liên bang Nga tham dự Hội nghị BRICS mở rộng 
Nước ứng viên EU cam kết không bao giờ trừng phạt Nga, ưu tiên gia nhập BRICS