Thương hiệu bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh 160 tuổi bị tạm dừng hoạt động do vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm
Cơ sở sản xuất bánh cốm Nguyên Ninh mắc hàng loạt vi phạm nghiêm trọng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngày 2/1, Đoàn liên ngành về an toàn thực phẩm số 1 của TP. Hà Nội đã yêu cầu tạm dừng hoạt động cơ sở sản xuất bánh cốm gia truyền Nguyên Ninh tại số 11 phố Hàng Than, quận Ba Đình, do hàng loạt vi phạm nghiêm trọng về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đoàn liên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất bánh cốm. Ảnh: Thu Trang |
Tại thời điểm kiểm tra, khu vực sản xuất của cơ sở được ghi nhận nằm trong gian bếp sinh hoạt của gia đình, không có phân khu riêng biệt. Nền nhà bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh lộ thiên, rác thải ứ đọng, dụng cụ sơ chế và chế biến cáu bẩn. Đặc biệt, nhà vệ sinh được bố trí ngay trong khu vực sản xuất, nơi còn phát hiện cả côn trùng và phân động vật.
Khu vực sản xuất ẩm ướt , cống rãnh lộ thiên |
Nền nhà khu vực bếp bong tróc, ẩm mốc, cống rãnh hở, ứ đọng rác… Vì cơ sở chật hẹp không có kho chứa nên các bao tải đựng nguyên liệu cốm khô được xếp ngay lối ra vào khu bếp, gần khu vực tường ẩm ướt.
Nguyên liệu được xếp ngay lối ra vào khu bếp |
Cơ sở này chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe cũng như giấy chứng nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm (ATTP) của chủ cơ sở và 5 nhân viên. Nhãn sản phẩm bánh cốm cũng không phù hợp với bản công bố sản phẩm và quy định về ghi nhãn hàng hóa.
Mặt khác, cơ sở cũng chưa xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của tất cả các nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.
Khu vực sản xuất của Nguyên Ninh |
Trước các vi phạm trên, Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu cơ sở bánh cốm Nguyên Ninh tạm dừng hoạt động để khắc phục các vấn đề. Ban Chỉ đạo công tác ATTP quận Ba Đình được giao nhiệm vụ tiếp tục làm việc để xử lý triệt để các vi phạm của cơ sở này.
Bánh cốm Nguyên Ninh ra đời từ năm 1865 do tổ tiên của dòng họ Nguyễn Duy là người đầu tiên làm ra chiếc bánh cốm. Người ta cho rằng Nguyễn Duy cũng là "ông tổ" của loại bánh này. Theo nguồn tin khác từ báo Công an nhân dân đưa tin, người đầu tiên làm ra bánh cốm lại là cụ bà Trưởng Ái của dòng họ Nguyễn Duy, còn gọi là cụ Cốm. "Nguyên Ninh" được in trên bao bì sản phẩm là "寧原", có nghĩa là "nguyên gốc làng Yên Ninh".
Cửa hàng Nguyên Ninh |
Bánh cốm là biểu tượng của Hà Nội, không chỉ vì nguồn gốc xuất xứ mà còn do ảnh hưởng của loại bánh này đến văn hóa và lối sống của người Hà Nội. Tuy vậy, bánh cốm Nguyên Ninh vẫn được bình chọn là "ngon nhất" bởi từng bí quyết và kỹ thuật làm cốm chỉ những người trong dòng họ Nguyễn Duy mới biết. Tùy bút "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam xuất bản 1943 có nhắc đến 2 hiệu bánh cốm, tuy vậy, ông chỉ nhắc đến hiệu "Nguyên Ninh". Bánh cốm Nguyên Ninh đã trở thành thương hiệu quen thuộc và thường được lựa chọn trong dịp cưới hỏi và làm quà biếu cho người thân bạn bè trong và ngoài nước.
Trước những thông tin trên, nhiều người tiêu dùng đã rất bất ngờ và có phần thất vọng khi một thương hiệu nổi tiếng 160 tuổi, không chỉ là tên tuổi một cơ sở sản xuất loại bánh truyền thống của Hà thành mà đã trở thành 1 đại điện văn hoá ẩm thực lâu đời của miền Bắc lại sản xuất trong điều kiện không đảm bảo như vậy.
>> Một doanh nghiệp Việt chinh phục người tiêu dùng Mỹ với top 10 sản phẩm bán chạy trên Amazon