Động thái đảo chiều của dòng tiền khối ngoại giúp cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) tăng mạnh lên mức cao nhất 3 tháng.
Cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (sàn HoSE) kết tuần giao dịch từ 15-19/1 bằng 5 phiên tăng điểm, giá tăng 9,9% lên 46.050 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất của cổ phiếu đầu ngành bán lẻ sau 3 tháng.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG |
Tính từ cuối tháng 10/2023 khi giá giảm về mức thấp điểm 2 năm (33.x đồng/cp), đến nay MWG đã ghi nhận nhịp hồi gần 37% giá trị - mức tăng thuộc top đầu nhóm bán lẻ.
Những phiên gần đây, dòng tiền trở lại giao dịch mạnh cổ phiếu Thế giới Di động trong đó dấu ấn mạnh nhất là vị thế tăng mua của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 12,23 triệu cổ phiếu MWG, tổng giá trị tương ứng 590,6 tỷ đồng.
Rộng hơn, khối ngoại đã mua vào 14,3 triệu cổ phiếu MWG ở 8/9 phiên gần đây. Tính từ phiên 12/1 tới nay, cổ phiếu VN30 này luôn nằm trong top cổ phiếu được gom mạnh nhất thị trường.
Tỷ lệ "hở" room ngoại thu hẹp: Diễn biến đảo chiều của dòng tiền "ngoại quốc" tại cổ phiếu Thế giới Di động giai đoạn này là sự phản ứng tích cực sau thông tin dự kiến mua vào của các ETF.
Cụ thể, chỉ số VNDiamond được dự báo gom hơn 10,1 triệu cổ phiếu MWG nhằm cơ cấu danh mục sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) công bố kết quả review chỉ số VN30 và VNDiamond kỳ tháng 1/2024.
Giao dịch khối ngoại tại cổ phiếu MWG 1 tháng gần đây |
Rộng hơn, hoạt động xuống tiền của nhà đầu tư nước ngoài đã diễn ra trong 1 tháng giao dịch gần đây - cùng với nhịp tích lũy biên độ hẹp vùng 41.0-43.x của cổ phiếu MWG. Tỷ lệ hở room ngoại theo đó thu hẹp đáng kể còn hơn 3% - tương đương khoảng 45 triệu cp.
Trước đó, trong nhịp lao dốc từ nửa đầu tháng 9 đến cuối tháng 10/2023, khoảng 65 triệu cổ phiếu MWG đã được khối ngoại bán ra. Như vậy, tạm tính theo giá trung bình giai đoạn này là 40.000 đồng/cp, 20 triệu cổ phiếu MWG đã được nhà đầu tư nước ngoài gom trở lại - giá trị tương ứng khoảng 800 tỷ đồng.
>> Hơn 60 triệu cổ phiếu MWG được khối ngoại "phân phối" cho nhà đầu tư nhỏ lẻ 
Động thái trở lại của nhà đầu tư nước ngoài được cho là đến từ kỳ vọng phục hồi kết quả kinh doanh của "đại gia" ngành bán lẻ sau 3 quý đầu năm 2023 đáng thất vọng.
Kỳ vọng kinh doanh cải thiện : Trong báo cáo gần nhất, Chứng khoán VNDirect cho rằng, đà giảm doanh thu của hai chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh trong tháng 10 và tháng 11/2023 đã được thu hẹp còn 8,1% và 15% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này cũng thấp hơn đáng kể so với mức giảm 23,3% trong 9 tháng trước đó.
Kết quả trên đến từ việc sức mua của người tiêu dùng đối với các sản phẩm điện tử, điện máy dần phục hồi sau khi chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 cũng như mức nền thấp trong quý IV/2022.
Doanh thu hàng tháng (tỷ đồng) của chuỗi Thế giới Di động và chuỗi Điện Máy Xanh trong năm 2022 và năm 2023 (Nguồn: MWG, VNDirect) |
Dự báo, khi nền kinh tế dần hồi phục, doanh thu của chuỗi Thế giới Di động năm 2024 có thể tăng 9,3% so với mức nền thấp năm 2023. Trong khi đó, doanh thu của chuỗi Điện Máy Xanh có thể tiếp tục ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2024 nhưng mức giảm thu hẹp còn -6,7% YoY.
VNDirect cho rằng, biên lợi nhuận gộp của MWG sẽ phục hồi chậm và có thể cần ít nhất 2-3 năm mới trở về mức cao như giai đoạn 2021-2022. Mặt khác, đà phục hồi này sẽ phụ thuộc vào nhiều biến số như tốc độ phục hồi của tổng thể nền kinh tế, tài chính tiêu dùng,...
>> Thế giới Di động (MWG) năm 2024: Chờ 'trứng vàng' sau 8 năm nuôi lỗ Bách Hóa Xanh 
Sẵn sàng "hy sinh" biên lợi nhuận
Tại Hội nghị nhà đầu tư hồi tháng 11/2023, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Thế giới Di động cho biết, MWG sẽ tiếp tục cuộc chiến giá. Dù vậy, doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh phù hợp theo từng thời kỳ dựa trên những phân tích về sức mua của người tiêu dùng nhằm cân đối hợp lý giữa lợi nhuận nhưng vẫn giữ được thị phần.
Ngoài ra, Thế giới Di động sẽ theo đuổi mục tiêu lợi nhuận gộp tuyệt đối thay vì biên lợi nhuận, do đó biên lợi nhuận gộp sẽ thấp hơn trước đây về mặt tỷ lệ nhưng về giá trị lợi nhuận sẽ cải thiện.