Tiến sĩ Việt Nam đứng đầu Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Là “bộ óc” hàng đầu thế giới về AI, từng làm việc tại Google, Đại học Stanford...
Dưới sự lãnh đạo của ông, VinAI đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu và ứng dụng AI.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng được biết đến là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo  (AI). Ông sinh năm 1973 tại Hà Nội, là cựu sinh viên của trường Đại học Tổng hợp. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã giành được nhiều thành tích ấn tượng, tiêu biểu là tấm Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế năm 1989, cùng kỳ thi với Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Từ năm 1994 đến năm 1998, ông theo học tại trường Đại học Curtin, Úc. Tại đây, ông lấy bằng cử nhân và sau đó nhận bằng Tiến Sĩ năm 1998 khi mới 25 tuổi, đều về ngành khoa học máy tính.
Sau đó, từ tháng 2/2000 đến tháng 10/2003, ông giảng dạy tại Đại học Curtin và từng được mời làm giáo sư tại Đại học Monash. Ông giảng dạy nhiều môn học từ Trí tuệ nhân tạo, Toán học rời rạc đến Giao tiếp máy tính, cũng như các chủ đề nâng cao như mạng Bayes, mô hình đồ họa, và mạng thần kinh. Đồng thời, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng thực hiện các nghiên cứu về mô hình đồ họa xác suất và học máy với ứng dụng trong nhận dạng kế hoạch và hoạt động.
Từ tháng 10/2003 đến tháng 11/2012, Tiến sĩ Hưng làm nghiên cứu viên tại Trung tâm AI thuộc Viện Nghiên cứu Đại học Stanford  (Hoa Kỳ). Tại đây, ông giữ vai trò nghiên cứu chính trong chương trình nhận dạng hoạt động cấp cao từ video do DARPA (Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến) tài trợ. Đồng thời, ông cũng là người chỉ đạo kỹ thuật trong các dự án về suy luận xác suất và học máy của DARPA, tập trung vào việc phát triển mô hình xác suất để hiểu ngôn ngữ tự nhiên.
Tiến sĩ Bùi Hải Hưng từng lãnh đạo một nhóm các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học hàng đầu thế giới, bao gồm Stanford, MIT, và Berkeley, tham gia phát triển công nghệ nhận diện hành vi con người trong khuôn khổ dự án CALO. Đây là dự án AI lớn nhất tại thời điểm đó, đồng thời cũng được biết đến như cái nôi sản sinh ra công nghệ trợ lý ảo đầu tiên Siri trên Apple iPhone.
Từ tháng 11/2012 đến năm 2014, ông giữ vai trò nhà nghiên cứu chính tại Phòng thí nghiệm Hiểu Ngôn ngữ Tự nhiên của Công ty truyền thông Nuance có trụ sở tại Sunnyvale, San Francisco.
Giai đoạn từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2018, Tiến sĩ Hưng chuyển sang làm việc tại Adobe Research với vai trò Chuyên gia Máy học. Đầu năm 2018, ông gia nhập Google DeepMind, một trong những đơn vị hàng đầu thế giới về công nghệ AI . Tại đây, ông đảm nhiệm vị trí nhà nghiên cứu cấp cao và được đánh giá là một trong những nhà sáng chế trí tuệ nhân tạo xuất sắc của Google.
Ngày 17/4/2019, khi Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo AI - VinAI Research trực thuộc Công ty VinTech, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng đã trở về Việt Nam và giữ vai trò viện trưởng. VinAI tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học cơ bản trong AI, đặc biệt là các thuật toán học máy, học sâu, và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như xử lý hình ảnh, video, ngôn ngữ, giọng nói và hành vi tương tác của người dùng.
Tại thời điểm thành lập, VinAI Research xác định mục tiêu chính là xây dựng đội ngũ chuyên gia AI hàng đầu cho Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, viện đặt trọng tâm vào việc phát triển tài năng trẻ trong lĩnh vực AI, tư vấn và chuyển giao công nghệ cho tập đoàn và các đối tác chiến lược.
Năm 2021, Viện Nghiên cứu Trí tuệ Nhân tạo VinAI được tái cấu trúc thành Công ty Cổ phần Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo VinAI (VinAI). Tiến sĩ Bùi Hải Hưng tiếp tục dẫn dắt với vai trò Tổng Giám đốc. Dưới sự lãnh đạo của ông, VinAI đã gặt hái nhiều thành tựu đáng kể trong nghiên cứu và ứng dụng AI.
Theo bảng xếp hạng nghiên cứu AI toàn cầu năm 2022 của Thundermark Capital - công ty đầu tư mạo hiểm tại New York (Mỹ), VinAI trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam và Đông Nam Á lọt vào Top 20 công ty dẫn đầu về trí tuệ nhân tạo trên thế giới. Bảng xếp hạng này dựa trên các ấn phẩm nghiên cứu được đánh giá là quan trọng và uy tín nhất trong lĩnh vực AI. Đến năm 2023, VinAI đã công bố gần 150 bài báo tại các hội nghị và hội thảo quốc tế danh tiếng.
Nguồn: Tổng hợp