Bất động sản

Tiết lộ lý do bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc quyết ‘ôm hàng’, nói không với giảm giá

Phương Uyên 19/12/2023 11:51

Dù thị trường có dấu hiệu chững lại nhưng giá của nhiều phân khúc bất động sản lại không hề hạ nhiệt, vẫn tăng đều qua các quý, đặc biệt là các phân khúc chung cư.

Giữa lúc thị trường bất động sản chững, giá chung cư vẫn tăng đều

Theo VTC News, hơn một năm trở lại đây, phân khúc chung cư tại Hà Nội ghi nhận mức tăng giá nhanh, từ 5-15% tuỳ từng khu vực, từng dự án. Hiện nay, giá chung cư tại Hà Nội đang giữ giá rất tốt.

Lý giải điều này, ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc cho rằng, các phân khúc hướng đến nhu cầu sử dụng thì sẽ khó giảm giá vì nguồn cầu luôn rất lớn. Hơn nữa, việc tăng giá mạnh của chung cư những năm gần đây thực tế là do cả một quá trình dài trước đó, giá chung cư không hề tăng, nên dồn tăng vào những năm gần đây, khiến biên độ tăng khá lớn.

Cũng theo ông Quyết, thời gian qua, giá chỉ giảm ở những sản phẩm nghiêng về đầu tư, đầu cơ. Thực tế trước đây, giá của sản phẩm đầu tư bị đẩy lên quá cao do nhà đầu tư tại Việt Nam có xu hướng đầu tư theo phong trào. Khi thấy một nhà đầu tư thu được lợi lớn từ bất động sản là kéo theo rất nhiều nhà đầu tư khác cũng tham gia vào thị trường này.

Do đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản gặp “bão”, sản phẩm này bị ảnh hưởng mạnh nhất. Do không đủ tính pháp lý nên việc chuyển nhượng, mua bán gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các sản phẩm thuộc phân khúc này đã giảm giá mạnh từ 40-60%. Còn phân khúc có nhu cầu thực thì không giảm giá, thậm chí vẫn tăng.

Ảnh chụp Màn hình 2023-12-19 lúc 10.40.38
Giá bán nhà ở tại Hà Nội trong quý 3/2023 tăng mạnh

Vì sao giá nhà vẫn tăng phi mã giữa lúc thị trường chồng chất khó khăn?

Lý giải về việc giá nhà tăng cao, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, giá bán căn hộ chung cư sẽ tiếp tục xu hướng tăng trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, đặc biệt là ở phân khúc bình dân, trung cấp và ở các dự án đã đi gần về cuối bảng hàng.

Chuyên gia này nhấn mạnh, nguồn cung ngày càng khan hiếm trong khi chi phí tạo lập quỹ đất, chi phí nguyên vật liệu, chi phí tiếp cận tài chính tăng cao… Do đó, các dự án bất động sản khó giảm giá, buộc phải duy trì giá bán ở ngưỡng cao.

"Đà tăng giá có thể dừng lại khi các vướng mắc về thủ tục, pháp lý, nguồn vốn được tháo gỡ, thúc đẩy nguồn cung của thị trường", ông Đính nhấn mạnh.

Phân tích lý do bất động sản không giảm giá, ông Đào Phúc Tường, Giám đốc Quỹ đầu tư Vietnam Alpha Fund cũng cho rằng, có ba “lý do tế nhị” khiến doanh nghiệp địa ốc không giảm giá bất động sản để tăng nguồn thu và trả bớt nợ đến hạn.

prices
Có 3 lý do khiến giá nhà "không thể" giảm

Đầu tiên là đa phần các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam đều có những “nhà đầu tư ruột”. Đây là những nhà đầu tư mua bất động sản trực tiếp từ chủ đầu tư, tạm gọi là nhà đầu tư F0. Khi giảm giá, những nhà đầu tư ruột này là khách hàng đầu tiên bị ảnh hưởng lợi nhuận, khiến chủ đầu tư phải cân nhắc.

“Điểm tế nhị” nữa là liên quan đến tài sản bảo đảm. 70% giá trị tài sản bảo đảm của ngân hàng là bất động sản cho nên việc giảm giá bán sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản bảo đảm của các công ty bất động sản ở ngân hàng. Khi giá trị tài sản bảo đảm giảm, ngân hàng sẽ yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung nhưng vào thời điểm này, đây là yêu cầu cực kỳ khó đáp ứng.

Cuối cùng là tính pháp lý của bất động sản. Rất nhiều dự án bất động sản có vấn đề pháp lý cho nên dù có giảm giá thì doanh nghiệp vẫn không bán được trong môi trường kinh doanh hiện tại.

>> Nhức nhối khu đô thị tại Phúc Yên ‘vườn không nhà trống’ suốt 20 năm

Bãi bỏ 12 thông tư về tài chính đất đai

Bất động sản khởi sắc: Miền Trung dẫn đầu 'làn sóng' phục hồi

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/he-lo-ly-do-bat-ngo-khien-nhieu-doanh-nghiep-dia-oc-quyet-om-hang-noi-khong-voi-giam-gia-d113194.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tiết lộ lý do bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc quyết ‘ôm hàng’, nói không với giảm giá
    POWERED BY ONECMS & INTECH