Phổ cập dịch vụ di động là bài học được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu ra cho Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) trong việc tìm cách làm mới phổ cập chữ ký số cá nhân.
Chủ động đổi mới, tái tạo để tránh quy luật 10 năm
Ngày 24/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi làm việc với Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia - NEAC. Cùng dự cuộc làm việc còn có Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT.
Năm 2024, ghi dấu 10 năm thành lập Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, vì thế Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã lưu ý NEAC về quy luật chu kỳ 10 năm phát triển của một tổ chức. Từ đó, Bộ trưởng yêu cầu NEAC phải chủ động đổi mới, tái tạo: nhận thêm nhiệm vụ mới; thay đổi cách vận hành tổ chức; công cụ hóa; nghĩ cách làm mới để biến việc khó thành việc dễ - xốc lại và đưa tổ chức tiếp tục phát triển.
Người đứng đầu ngành TT&TT chỉ rõ: Một tổ chức muốn lành mạnh, muốn tồn tại lâu dài thì cần có sứ mệnh, mục tiêu lớn. Trong bối cảnh đất nước đang phát triển, có nhiều việc mới chưa đơn vị nào làm, cách đơn giản để NEAC trở thành một tổ chức có sứ mệnh, mục tiêu lớn là nhận các nhiệm vụ mới mang lại giá trị, đóng góp cho sự phát triển đất nước để hoạt động của đơn vị ý nghĩa hơn, nhân sự của tổ chức cũng có không gian phát triển hơn.
Nhận định NEAC là tổ chức có nguồn lực lớn trong Bộ, Bộ trưởng yêu cầu NEAC phải hướng các nguồn lực của đơn vị mình vào làm những việc lớn cho đất nước. Giữa việc cung cấp dịch vụ công và vai trò dẫn dắt quốc gia trong lĩnh vực của mình, Trung tâm phải đặc biệt chú trọng vai trò dẫn dắt. “Quản lý nhà nước là dẫn dắt, mà muốn dẫn dắt thì phải xuất sắc”, Bộ trưởng chỉ rõ.
Những nhận thức mới cũng được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khai mở cho các cán bộ, viên chức của NEAC. Đó là: Mô hình hội đồng quản lý là điểm hay, điều tốt cho đơn vị vì có thêm người phản biện, hỗ trợ, giám sát hoạt động đúng hướng và đúng quy định; Hoạt động thanh tra, kiểm tra sẽ giúp đơn vị có thể phát hiện sớm các vấn đề, tồn tại để kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.
“Quản lý nhà nước cũng cần chú ý thể chế phải tường minh, chế tài phải răn đe, có công cụ giám sát toàn diện và thực thi phải nghiêm minh”. Điều này không chỉ cho riêng NEAC mà cho tất cả các đơn vị trong Bộ - Bộ trưởng nhắc nhở.
Lưu ý thêm về nguyên lý của một tổ chức nhà nước, Bộ trưởng chỉ rõ: Một tổ chức tốt là tổ chức được thiết kế tốt, có công cụ tốt và những người thực thi có tính kỷ luật. Tất nhiên, mỗi tổ chức vẫn phải có nhóm ưu tú, người đứng đầu xuất sắc để có thể dẫn dắt.
Phổ cập chữ ký số cá nhân tới mọi người dân Việt Nam
Phổ cập chữ ký số cá nhân tới mọi người dân Việt Nam là nhiệm vụ đột phá được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho NEAC trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, với mục tiêu dự kiến đặt ra là đến hết năm 2025 cả nước đạt mốc 30 triệu chứng thư số cá nhân được người dân đăng ký và sử dụng.
Trong năm vừa qua, để hiện thực hóa mục tiêu trên, nhiều giải pháp đã được NEAC chỉ đạo, đồng hành với các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng triển khai. Cụ thể, cùng với việc hỗ trợ tích hợp tính năng ký số từ xa vào các cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, NEAC đã đưa chương trình cấp chứng thư số miễn phí cho người dân tới 18 địa phương, với tổng số hơn 260.000 chứng thư số được cấp.
Dẫu vậy, bài toán làm sao để chữ ký số được người dân sử dụng phổ biến vẫn là thách thức lớn đối với NEAC, bởi môi trường ký số hiện chưa nhiều, pháp luật chuyên ngành cũng chưa sẵn sàng, chưa có chế tài mạnh hơn để thúc đẩy thị trường chữ ký số cá nhân phát triển.
Giải đáp băn khoăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn lại câu chuyện thành công khi phổ cập dịch vụ di động tại Việt Nam cách đây 20 năm và đề nghị Trung tâm nghiên cứu cách làm này. Tại thời điểm năm 2004, sau 12 năm, Việt Nam mới chỉ có 4% người dùng dịch vụ điện thoại di động và toàn bộ là thuê bao trả sau, nhân tố mới của thị trường thời điểm đó là Viettel đã đầu tư hệ thống cho trả trước phát phủ số trạm lớn để thuận tiện cho người dùng, dù đầu tư cho trả trước đắt hơn nhiều đầu tư cho trả sau. Nhờ hiểu được yếu tố quyết định giá thành là số lượng người dùng chứ không phải là chi phí đầu tư, việc phổ cập dịch vụ điện thoại di động đã thành công, được phủ tới toàn dân chỉ sau 4 năm, vào năm 2008.
Từ bài học của lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng gợi mở một số việc cần làm để phổ cập chữ ký số cá nhân, bao gồm hiểu cơ cấu chi phí của chữ ký số, học tập kinh nghiệm quốc tế; tìm ra ứng dụng thiết thực với người dân để họ phải dùng chữ ký số; và cuối cùng là tìm ra doanh nghiệp đủ nguồn lực, chỉ ra cho họ tầm nhìn về hiệu quả lớn có thể đạt được trong tương lai để họ mạnh dạn đầu tư trước, kinh doanh sau.
Đánh giá cao việc NEAC đã tổ chức đánh giá, đo lường và công bố công khai chất lượng dịch vụ của các CA công cộng năm 2023, người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, việc ra tiêu chuẩn, thực hiện đánh giá, công khai xếp hạng là 1 công cụ quan trọng của quản lý nhà nước quan trọng, đồng thời đề nghị NEAC tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2024, NEAC sẽ áp dụng kiểm tra, giám sát online các đối tượng quản lý. Theo đó, khi một CA công cộng cấp chứng thư số cho người dùng, qua việc kết nối hệ thống, NEAC ngay lập tức sẽ nắm được. Ngoài ra, Trung tâm còn có thể sử dụng AI để rà soát quy trình cấp của CA có đúng, có tuân thủ các yêu điều kiện không.
Nhấn mạnh về sự cần thiết của hệ thống giám sát online, Bộ trưởng cho rằng, chỉ có bằng cách này NEAC mới có thể quản lý tốt, kịp thời cảnh báo, nhắc nhở khi có thấy đối tượng quản lý có vấn đề trong việc tuân thủ.
Để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thì dù doanh nghiệp lớn, khi sai phạm ngoài việc nhắc nhở, vẫn cần công khai kết quả kiểm tra, xử phạt trên các báo chí - điều này ảnh hưởng đến thương hiệu vì thế các doanh nghiệp sẽ phải chủ động thay đổi; Doanh nghiệp nhỏ sai phạm nhiều thì thu hồi giấy phép; Nhóm doanh nghiệp quy mô vừa thì cần có quy định sau 3 lần sai phạm sẽ chuyển cơ quan công an xử lý - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý.
Cùng với lưu ý đội ngũ cán bộ NEAC cần nhanh chóng trang bị kiến thức về quản trị doanh nghiệp để có thể quản lý được khi Trung tâm chuyển thành đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn, người đứng đầu ngành TT&TT cũng đề nghị phải đầu tư công cụ, công nghệ số để trở thành tổ chức xuất sắc, đội ngũ nhân sự được nâng cao trình độ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Cụ thể, NEAC cần tập hợp tri thức toàn cầu và trong nước về lĩnh vực quản lý của mình, xây dựng hệ tri thức của đơn vị và đưa các tri thức đó vào trợ lý ảo, hỗ trợ nhân sự có thể hỏi, tìm kiếm lời giải trong quá trình làm việc cụ thể.
Trước những định hướng, gợi mở cách làm của Bộ trưởng, Giám đốc NEAC Tô Thị Thu Hương cam kết Trung tâm sẽ hoàn thành các nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao và khẳng định đơn vị sẵn sàng chấp nhận những thử thách mới, nhiệm vụ mới.