Tín dụng năm 2025 dự kiến tăng 16%, dòng vốn sẽ dịch chuyển ra sao?
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.
Ngày 30/12/2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) thông báo về nguyên tắc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự kiến đạt khoảng 16%.
Trước đó, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% trong năm 2024.
Theo NHNN, thông báo này được xây dựng dựa trên Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các TCTD cung ứng nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế.
Cụ thể, mức giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của TCTD sẽ căn cứ vào kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52/2018/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng. Theo đó, NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Đồng thời, NHNN tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo Nghị quyết số 62/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
NHNN yêu cầu TCTD thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở phù hợp với năng lực quản trị rủi ro, tình hình thanh khoản và khả năng huy động vốn, bảo đảm chất lượng tín dụng, sử dụng vốn đúng mục đích, hạn chế nợ xấu gia tăng và phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, tín dụng đi vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; nâng cao năng lực đánh giá, thẩm định tín dụng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số… để có dư địa tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Trong năm 2025, NHNN cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình thực tế để điều hành tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, khoa học, bám sát tình hình để hệ thống TCTD cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và đảm bảo an toàn hệ thống, gắn với ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
NHNN cũng nhấn mạnh sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để tạo điều kiện cho TCTD cung ứng đủ và kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế mà TCTD không cần có văn bản đề nghị.
Trao đổi với chúng tôi về cơ chế phân bổ room năm 2024, TS. Nguyễn Minh Phong - Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, đây là một chính sách rất tích cực, thể hiện sự linh hoạt và đổi mới của Ngân hàng Nhà nước. Ông Phong chia sẻ, thay vì áp dụng cách phân bổ “cào bằng”, cơ chế này đã khuyến khích các ngân hàng làm việc uy tín hơn, sở hữu danh mục khách hàng chất lượng và kiểm soát nợ hiệu quả.
Chính sách này không chỉ thúc đẩy các ngân hàng phát triển thị phần một cách linh hoạt, mà còn góp phần đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính nói chung. Việc trao quyền chủ động cho các ngân hàng giúp họ xây dựng chiến lược tăng trưởng phù hợp với năng lực nội tại.
Theo ông Phong, chính sách này của Ngân hàng Nhà nước nên được duy trì và mở rộng trong những năm tiếp theo để tạo động lực phát triển bền vững cho ngành ngân hàng.
Chuyên gia cho biết thêm, năm 2025, thị trường bất động sản dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng, tạo điều kiện cho việc nâng trần cho vay. Nhu cầu vốn trong lĩnh vực này có thể gia tăng, đồng thời dòng tiền trả nợ ngân hàng được kỳ vọng sẽ cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động tín dụng.
Tin mới về tăng trưởng tín dụng năm 2025 
Bắt nhóm đối tượng cho vay tín dụng đen lãi suất 'cắt cổ' lên tới 700%/năm