Tỉnh có 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam: Sắp xếp ra sao với 261 cán bộ dôi dư sau sáp nhập?
Ngày 27/11, buổi họp báo tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 300 năm Ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024) và giao ban công tác báo chí tháng 11/2024 tại tỉnh Hà Tĩnh đã được diễn ra.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, ông Lê Minh Đạo đã báo cáo về tình hình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của địa phương này.
Ông Đạo cho biết, Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 của tỉnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh  sẽ giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện, còn 12 đơn vị thay vì 13 như hiện nay, giảm 1 huyện là Lộc Hà (gồm 9 huyện, 1 thành phố và 2 thị xã); đồng thời giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã, còn 209 thay vì 216 như hiện nay (gồm 170 xã, 25 phường và 14 thị trấn).
Sau khi thực hiện sáp nhập, tỉnh này dự kiến dôi dư 136 người đối với cấp huyện và 125 người đối với cấp xã. Cụ thể, đối với cấp huyện, dôi dư 31 cán bộ, 57 công chức và 48 viên chức. Đối với cấp xã, dôi dư 64 cán bộ, 45 công chức và 16 người hoạt động không chuyên trách.
Hà Tĩnh đưa ra phương án sắp xếp như sau:
Đối với cấp huyện, những phương án dự kiến sắp xếp, xử lý gồm: điều chuyển sang chức danh, vị trí công tác khác nếu đủ điều kiện; thực hiện điều động từ huyện sắp xếp sang địa phương lân cận và các địa phương khác phù hợp; điều động, tiếp nhận về cơ quan cấp tỉnh.
Trong trường hợp không sắp xếp được công việc mới mà có nguyện vọng hưởng các chế độ, chính sách theo quy định thì tạo điều kiện theo nguyện vọng, tinh giản biên chế,... để được hưởng chính sách của Trung ương, của tỉnh theo quy định.
Đối với cấp xã, phương án dự kiến sắp xếp đối với những cán bộ, công chức cấp xã dôi dư đủ điều kiện như sau: điều chuyển sang chức danh khác; tiếp nhận làm công chức tỉnh, cấp huyện; tuyển dụng làm viên chức ở đơn vị sự nghiệp; thực hiện chuyển sang chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Bên cạnh đó, sẽ tạo điều kiện theo nguyện vọng trong trường hợp không sắp xếp được công việc mới mà cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.
Ngoài ra, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư cũng được tỉnh Hà Tĩnh khuyến khích tự nguyện nghỉ hưởng chế độ, chính sách theo quy định hiện hành của Trung ương, của tỉnh.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Ngoài ra, sau sáp nhập, tỉnh Hà Tĩnh cũng có 9 trụ sở cấp huyện, 30 cơ sở nhà, đất tại đơn vị hành chính cấp xã dôi dư. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh hiện đã xây dựng phương án chi tiết để giải quyết đối với những trụ sở dôi dư này, đảm bảo hoàn thành trong 3 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành.
Cụ thể, ông Đạo cho biết: “Về phương án xử lý trụ sở cấp huyện dôi dư sau sáp nhập được tỉnh lên phương án bằng cách điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc thu hồi. Còn đối với trụ sở cấp xã thì có 11 cơ sở nhà đất dự kiến xử lý bằng cách điều chuyển, 9 trụ sở dự kiến phương án chuyển giao về địa phương và 10 trụ sở dự kiến phương án bán tài sản trên đất, chuyển nhượng sử dụng đất".
Hà Tĩnh là một trong 3 địa phương được bố trí sắp xếp 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam . Cụ thể, 2 ga ở Hà Tĩnh gồm ga Hà Tĩnh (xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà) và ga Vũng Áng (xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh).
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án quan trọng, có vai trò bước ngoặt đối với hệ thống giao thông của Việt Nam. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga, bên cạnh đó, có địa phương được bố trí 2 ga để đảm bảo tàu chạy với vận tốc khai thác tối đa 320km/h, chiếm 70-80% chiều dài giữa 2 ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam không chỉ giúp Hà Tĩnh nói riêng mà còn giúp Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với những tính năng vượt trội, đường sắt tốc độ cao Bắc Nam hứa hẹn sẽ thúc đẩy liên kết vùng, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu lượng khí thải carbon.
Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Công an xử lý tin đồn không đúng sự thật về sáp nhập tỉnh 
Những lần sắp xếp, sáp nhập bộ ngành qua các thời kỳ