Tỉnh có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất Việt Nam sẽ có thêm 2 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp, 12 đường tỉnh
Đến năm 2050, tỉnh này phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước.
Theo Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ , với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân khoảng 8%/năm và tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng.
Tầm nhìn đến năm 2050, Hà Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, hướng đến phát triển xanh, bản sắc và bền vững, giữ vai trò quan trọng trong khu vực về kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới và du lịch.
Theo quy hoạch, Hà Giang sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Bình Vàng và thu hút đầu tư để xây dựng thêm khu công nghiệp mới khi có chỉ tiêu quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất theo quy định.
Về cụm công nghiệp, tỉnh sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng và tăng tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đã thành lập, đảm bảo thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, Hà Giang sẽ thực hiện các dự án giao thông quan trọng theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia.
Về đường bộ quốc gia, Hà Giang sẽ thực hiện theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia được duyệt, tập trung bố trí nguồn lực đầu tư các dự án có ý nghĩa quan trọng như: Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (CT15); tuyến nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Hà Giang (CT12); Quốc lộ 4 (đoạn Xín Mần - Hoàng Su Phì - Thanh Thủy); Quốc lộ 280 (đoạn Na Hang - Bắc Mê); Quốc lộ 2C kéo dài (đoạn Lâm Bình - Vị Xuyên).
>> Tỉnh rộng nhất Việt Nam sẽ có 3 thành phố trực thuộc vào năm 2030 
Về đường bộ cấp tỉnh, Hà Giang sẽ nâng cấp, cải tạo 5 tuyến đường tỉnh hiện có đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi; các đoạn đặc biệt khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V; ưu tiên cải tạo, nâng cấp đường Bắc Quang - Xín Mần (ĐT 177) (tuyến đường bộ kết nối với các tuyến đường cao tốc, đường vành đai biên giới, quốc lộ quan trọng); cải tạo, nâng cấp, mở rộng 7 tuyến đường huyện, đường liên huyện và 5 tuyến đường lên các cửa khẩu/lối mở/cột mốc biên giới thành đường cấp tỉnh, quy mô đường đạt tối thiểu cấp IV; các đoạn đặc biệt khó khăn đạt tiêu chuẩn đường cấp V.
Cũng theo quy hoạch, Hà Giang sẽ nghiên cứu và xây dựng sân bay dân dụng tại vị trí tiềm năng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các quy hoạch liên quan.
Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung phát triển Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành Khu du lịch quốc gia, và các khu du lịch cấp tỉnh khi đủ điều kiện. Các khu du lịch kết hợp dịch vụ nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí tại các huyện và TP. Hà Giang cũng sẽ được đầu tư phát triển.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ phát triển các khu du lịch như Khu du lịch Thiên Sơn - Thác Thí tại huyện Bắc Quang, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái núi Mỏ Neo, Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Suối Tiên, và Làng văn hóa dân tộc Mông tại TP. Hà Giang.
Một số dự án văn hóa, thể thao, du lịch dự kiến ưu tiên thực hiện trong thời kỳ quy hoạch là: Dự án Khu Liên hợp văn hóa, thể thao tỉnh; thư viện tỉnh; tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Địa điểm khởi công mở đường Hạnh phúc Hà Giang - Đồng Văn; trung tâm diễn xướng văn hóa tại Bảo tàng tỉnh tại TP. Hà Giang; dự án xây dựng, nâng cấp Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; trung tâm diễn xướng văn hóa tại Bảo tàng Không gian văn hóa các dân tộc vùng Cao nguyên đá Đồng Văn...
Theo báo cáo khảo sát mức sống dân cư năm 2023 của Tổng cục Thống kê, chương trình điều tra thống kê quốc gia được thực hiện nhằm mục đích thu thập thông tin làm căn cứ đánh giá mức sống, đánh giá tình trạng nghèo đói và phân hóa giàu nghèo, giám sát và đánh giá một số chương trình mục tiêu quốc gia.
Khảo sát mức sống dân cư năm 2023 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Đáng nói, Hà Giang là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất cả nước với 2,06 triệu đồng.
>> Đất một huyện của Hà Nội tăng ‘chóng mặt’, giá khởi điểm hơn 3 tỷ đồng/thửa