Tỉnh đông dân nhất Việt Nam vận động các gia đình không tổ chức tiệc cưới phô trương, lãng phí
Công văn cũng kêu gọi tăng cường tuyên truyền, vận động để khuyến khích việc báo hỷ thay vì gửi giấy mời dự tiệc cưới.
UBND tỉnh Thanh Hóa  vừa ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chủ tịch tỉnh về việc tiết kiệm và chống lãng phí trong các hoạt động cưới, tang lễ, tổ chức lễ hội và ngày kỷ niệm.
Theo đó, thời gian qua, các cấp chính quyền, sở, ngành và các tổ chức đã tích cực triển khai các biện pháp xây dựng nếp sống văn minh trong những hoạt động này. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số vấn đề cần khắc phục. Cụ thể, một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên vẫn có biểu hiện phô trương, lãng phí trong các lễ cưới và lễ ăn hỏi, tổ chức nhiều ngày, ở nhiều địa điểm, gây mất trật tự an toàn giao thông và tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng mê tín dị đoan trong một số hoạt động như bói toán, "lăn đường", đốt đồ mã, rải vàng, tiền trên đường đưa tang. Sự lãng phí còn thể hiện qua việc sử dụng quá nhiều vòng hoa trong các đám tang, gây tốn kém và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, trong các lễ hội, có hiện tượng ăn xin, rút thẻ, tổ chức trò chơi có thưởng không kiểm soát, du khách ăn mặc không phù hợp tại các di tích tâm linh. Tình trạng dâng quá nhiều mâm lễ như voi, ngựa, hình nhân thế mạng, đồ mã cũng khiến các hoạt động này trở nên lộn xộn, phản cảm và lãng phí.
Đặc biệt, một số địa phương, đơn vị còn tổ chức các lễ kỷ niệm vượt quá quy mô, thời gian, mời nhiều khách mời, tổ chức tiệc chiêu đãi, tặng quà và có các hoạt động phô trương lãng phí như chương trình văn hóa, văn nghệ chào mừng với sân khấu hoành tráng, khiến chi phí cho các hoạt động này trở nên rất tốn kém. Các hoạt động này cần được cải thiện, giảm bớt sự phô trương và tiết kiệm chi phí, đồng thời nâng cao nếp sống văn minh, giản dị, phù hợp với yêu cầu của thời đại.
Công văn của UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, trong tổ chức lễ cưới, cần đảm bảo lễ cưới vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm, đồng thời phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc, tôn giáo và hoàn cảnh của gia đình. Các thủ tục trước và sau lễ cưới nên được tổ chức một cách đơn giản, gọn nhẹ, tránh sự phô trương, hình thức, rườm rà.
Công văn cũng kêu gọi tăng cường tuyên truyền, vận động để khuyến khích việc báo hỷ thay vì gửi giấy mời dự tiệc cưới. Thời gian tổ chức lễ cưới cần được rút ngắn, không tổ chức linh đình hay nhiều lần tiệc cưới, tránh ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn giao thông. Cô dâu, chú rể và gia đình nên mặc trang phục truyền thống hoặc trang phục của dân tộc mình trong ngày cưới. Thay vì tiệc mặn, các gia đình có thể tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt. Đồng thời, có thể tổ chức lễ cưới tập thể cho các đôi uyên ương tại các Nhà Văn hóa cộng đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, cần phải gương mẫu thực hiện các quy định về nếp sống văn minh trong các hoạt động cưới, tang lễ, lễ hội và ngày kỷ niệm. Nếu để xảy ra các đám cưới, hỏi hay đám tang tạo dư luận không tốt, gây bức xúc trong xã hội, sẽ xem xét trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và xử lý sai phạm. Các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện các quy định này sẽ được biểu dương, khen thưởng.
>> Từ 2025, người dân được dùng lòng đường, vỉa hè để tổ chức đám tang, đám cưới, trừ cao tốc?