Tỉnh được đặt tới 2 ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, là điểm sáng kinh tế trọng điểm miền Trung
Đây là tỉnh đóng vai trò chiến lược quan trọng ở trung tâm của trục Bắc - Nam.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam  là dự án quan trọng, hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Việt Nam. Dự án dự kiến có 23 ga khách với cự ly trung bình 67km và 5 ga hàng với các đầu mối hàng hóa. Điểm khởi đầu của toàn tuyến là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 ga. Tuy nhiên, có 3 địa phương sẽ được sắp xếp 2 ga để đảm bảo tàu chạy với vận tốc khai thác tối đa 320km/h, chiếm 70-80% chiều dài giữa 2 ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Trong đó, Bình Định là một trong 3 tỉnh được bố trí 2 ga đường sắt tốc độ cao. Cụ thể, theo dự kiến, tỉnh sẽ có ga Diêu Trì tại huyện Tuy Phước và ga Bồng Sơn tại huyện Hoài Nhơn. Điều này sẽ giúp Bình Định có cơ hội phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Trong buổi làm việc và tiếp xúc cử tri Bình Định ngày 30/9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có đánh giá cao đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, khu - cụm công nghiệp ngày càng được hoàn thiện và du lịch phát triển, tăng sức hút đối với du khách.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh ước tính đạt 46.940,8 tỷ đồng, tăng 7,53% so với cùng kỳ, dẫn đầu trong 5 tỉnh kinh tế trọng điểm miền Trung và xếp thứ 25 trên 63 tỉnh, thành về tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng 2024.
Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 đạt 33.690,4 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn Nhà nước chiếm 33,5%, ước đạt 11.272,4 tỷ đồng, giảm 3,2%; vốn ngoài Nhà nước chiếm 63,3%, ước đạt 21.324,5 tỷ đồng, tăng 15,4%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  chiếm 3,2%, ước đạt 1.093,5 tỷ đồng, tăng 1,5%.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh 9 tháng đầu năm 2024 tăng 9,88% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 13,49%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,39%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,66%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,12%.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 1.315 triệu USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ. Trong đó, những mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 142,1 triệu USD, tăng 31,3%; gỗ ước đạt 329,6 triệu USD, tăng 31,1%; sản phẩm gỗ ước đạt 324,7 triệu USD, tăng 19%;...
Ngoài ra, Bình Định cũng là một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch. Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã đón hơn 8 triệu lượt khách, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 147% kế hoạch đề ra. Lượng khách tăng nên doanh thu cũng ghi nhận sự tăng mạnh với mức tăng 56,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 22.794,6 tỷ đồng.
Mục tiêu của Bình Định trong năm 2024 đạt mức tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%. Để là được điều này, tỉnh cần tiếp tục đổi mới cách thức chỉ đạo, điều hành theo tinh thần “làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá”; chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn; đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ, nỗ lực đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh;...
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng vai trò chiến lược quan trọng ở trung tâm của trục Bắc - Nam. Đồng thời, tỉnh cũng là cửa ngõ ra biển Đông gần và thuận tiện nhất của các khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Thái Lan và Đông Bắc Campuchia.
Với những ưu thế vượt trội do thiên nhiên ban tặng, Bình Định có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến nông, thủy sản; logistics và du lịch biển. Vì vậy, tỉnh cần có những chính sách giải quyết những tồn đọng và phát huy những lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn.
>>Siêu dự án hơn 67 tỷ USD của Việt Nam: Một mũi tên trúng nhiều đích