Tỉnh được đặt tới 2 nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đề xuất xây đường ven biển hơn 9.000 tỷ
Dự kiến, tuyến đường sẽ có chiều dài khoảng 14,6km.
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã chủ trì cuộc họp về phương án quy hoạch tuyến đường ven biển qua địa bàn TP. Phan Thiết, với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan.
Theo báo cáo từ Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông tỉnh, tuyến đường ven biển của tỉnh Bình Thuận đã nhận được sự quan tâm đầu tư từ Trung ương và UBND tỉnh trong thời gian qua. Nhiều đoạn tuyến đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, như đoạn Liên Hương - Bình Thạnh, cầu Sông Lũy - Hòa Thắng, ĐT.706B, đoạn ĐT.706B - cầu Hùng Vương, ĐT.719 đoạn Kê Gà - Tân Thiện và đoạn qua thị xã La Gi. Hiện đang triển khai thi công ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà và đoạn Hòn Lan - Tân Hải…
Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường ven biển tại trung tâm Phan Thiết còn hạn chế. Nhiều dự án du lịch đã chiếm phần lớn không gian biển, trong khi diện tích công viên ven biển và bãi biển công cộng còn rất ít. Một số đoạn đường ven biển nhỏ hẹp, không đảm bảo an toàn giao thông và phòng cháy chữa cháy, ảnh hưởng tới đời sống của người dân và làm giảm mỹ quan đô thị.
Vì vậy, việc bổ sung quy hoạch, đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển trung tâm thành phố Phan Thiết kết hợp bổ sung quỹ đất ven biển, hình thành công viên ven biển thông thoáng, hiện đại, tạo điểm nhấn, mang tính biểu tượng cho thành phố là rất cần thiết.
Đường ven biển - Nguồn: Internet |
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng các Công trình Giao thông tỉnh đề xuất quy hoạch tuyến đường ven biển  qua địa bàn TP. Phan Thiết, bắt đầu từ vòng xoay đường ĐT.706B, phường Phú Hài và kết thúc tại đường ĐT.719 ở dốc Campuchia, xã Tiến Thành.
Dự kiến, tuyến đường sẽ có chiều dài khoảng 14,6km, bao gồm: Đoạn 1 (Km 0 - Km 5+230) dài 5,23km (bao gồm cầu vượt sông Phú Hài); đoạn 2 (Km 5+230 - Km 6+210) dài 0,98km, từ đường Tôn Thất Tùng đến đường Nguyễn Tất Thành; đoạn 3 (Km 6+210 - Km 6+765) dài 0,555km, từ đường Nguyễn Tất Thành đến đường Lê Lợi; đoạn 4 (Km 6+765 - Km 11+620) dài 4,855km (bao gồm cầu vượt sông Cà Ty); đoạn 5 (Km 11+620 - Km 14+600) dài 2,98km.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 9.624 tỷ đồng, dự kiến triển khai thành hai giai đoạn: giai đoạn 2026-2030 sẽ thi công từ đầu tuyến đến hết công viên Đồi Dương (đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3 và cầu Phú Hài); giai đoạn 2031-2035 sẽ hoàn thiện các đoạn còn lại (đoạn 4, đoạn 5 và cầu vượt sông Cà Ty).
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhất trí về sự cần thiết của dự án, phương án sơ bộ tuyến đường ven biển, cũng như các giải pháp thực hiện cho cầu vượt sông Cà Ty và cầu vượt sông Phú Hài.
Phó Chủ tịch yêu cầu Ban Quản lý dự án tiếp thu ý kiến đóng góp từ các đại biểu, hoàn thiện phương án để trình UBND tỉnh. Yêu cầu bao gồm rà soát lại hai vị trí tĩnh không của cầu vượt sông Phú Hài và cầu Cà Ty, xem xét quỹ đất có thể đấu giá tại khu vực, tính toán hệ thống giao thông đấu nối và khối lượng cát cần thiết cho dự án.
Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam là dự án quan trọng, có vai trò bước ngoặt đối với hệ thống giao thông của Việt Nam. Dự án đi qua 20 tỉnh, thành phố. Mỗi địa phương được bố trí 1 nhà ga, bên cạnh đó, có địa phương được bố trí 2 ga để đảm bảo tàu chạy với vận tốc khai thác tối đa 320km/h, chiếm 70-80% chiều dài giữa 2 ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km). Trong đó, Bình Thuận là một trong những địa phương được bố trí 2 ga đường sắt tốc độ cao. Cụ thể, theo dự kiến, tỉnh sẽ có ga Phan Rí tại huyện Bắc Bình và ga Mương Mán tại huyện Hàm Thuận Nam.
>> Tuyến thoát nước hơn 800 tỷ đồng tại Đà Nẵng dự kiến khởi công vào năm 2025