Tỉnh duy nhất của Việt Nam được bao bọc bởi 4 con sông, quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế biển
Tỉnh này đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển và đô thị xanh, mở ra hướng đi đột phá cho phát triển bền vững và liên kết vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 76/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch nhằm đảm bảo triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh Bến Tre, đồng thời tạo cơ chế huy động nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, hiện đại.
Theo nội dung kế hoạch, tỉnh Bến Tre sẽ tập trung đầu tư đồng bộ, ưu tiên các dự án hạ tầng có tác động lan tỏa lớn, đặc biệt là các dự án giao thông chiến lược thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng. Kế hoạch cũng phân chia định hướng phát triển theo từng khu vực cụ thể nhằm khai thác tối đa lợi thế địa phương.
Vùng ven biển phía Đông, bao gồm các huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre, sẽ là động lực phát triển chính với các lĩnh vực ưu tiên gồm công nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nuôi trồng và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao. Ngoài ra, khu vực này sẽ tập trung phát triển kinh tế hàng hải, vận tải biển, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí, sân golf, cùng với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và đô thị xanh, thông minh, bền vững. Việc phát triển kinh tế sẽ được gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái biển, đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường.
Vùng Bắc sông Hàm Luông, bao gồm thành phố Bến Tre, huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, sẽ tập trung phát triển theo hướng đô thị - dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao. Khu vực này sẽ đóng vai trò là đô thị vệ tinh hỗ trợ các thành phố lớn như TP. HCM, đồng thời khai thác tối đa lợi thế từ các trục hành lang kinh tế quan trọng như trục thành phố Bến Tre - Giồng Trôm - Ba Tri, trục Chợ Lách - Châu Thành - Bình Đại và trục Châu Thành - thành phố Bến Tre - Mỏ Cày.
Bến Tre đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long |
Vùng Nam sông Hàm Luông, bao gồm các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách, sẽ tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó lấy nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái làm trụ cột. Các hành lang kinh tế quan trọng đi qua khu vực này gồm trục đô thị Chợ Lách - Mỏ Cày - Thạnh Phú và trục Châu Thành - thành phố Bến Tre - Mỏ Cày.
Kế hoạch cũng xác định ba hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông và hai hành lang theo hướng Bắc - Nam, nhằm tối ưu hóa kết nối hạ tầng và thu hút đầu tư. Ba hành lang phát triển Tây - Đông gồm hành lang kinh tế dọc theo trục quốc lộ 57B, hành lang kinh tế dọc theo trục quốc lộ 57C và hành lang kinh tế dọc theo trục quốc lộ 57.
Trọng tâm phát triển của các hành lang này sẽ là công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ và phát triển đô thị. Hai hành lang phát triển Bắc - Nam gồm hành lang kinh tế dọc theo quốc lộ 60 và đường cao tốc CT33, hành lang kinh tế dọc theo tuyến đường ven biển kết nối các đô thị ven biển của ba huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. HCM. Tại các hành lang này, tỉnh sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, dịch vụ logistics, cảng biển, du lịch sinh thái biển, các khu vui chơi giải trí cao cấp, sân golf và đô thị xanh, thông minh.
Ngoài các dự án hạ tầng giao thông, tỉnh Bến Tre sẽ ưu tiên đầu tư vào hệ thống khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng thủy lợi, cấp thoát nước, xử lý rác thải và nước thải, y tế, giáo dục, quốc phòng và an sinh xã hội. Các dự án này nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Để thu hút đầu tư, tỉnh đề ra nhiều giải pháp, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng. Tỉnh sẽ tập trung đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào các khu công nghiệp, khu du lịch, bao gồm hệ thống cấp điện, nước, giao thông và công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời ưu tiên phát triển các ngành như hạ tầng logistics, cảng biển, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến hiện đại.
Tỉnh cũng xây dựng hệ thống thông tin phục vụ xúc tiến đầu tư, tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, cũng như giám sát, xử lý nghiêm các dự án chậm tiến độ hoặc kém hiệu quả.
Một trong những mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch là thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tỉnh Bến Tre sẽ thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, đồng thời liên kết với các cơ sở đào tạo để phát triển sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao. Các chính sách hỗ trợ sẽ bao gồm thu hút chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp quốc tế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, năng lượng, chế biến và logistics, huy động vốn ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội hóa cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Về phát triển nguồn nhân lực, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nghề, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ. Chính quyền địa phương sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để triển khai các chương trình đào tạo theo nhu cầu thực tiễn, đảm bảo cung ứng lao động chất lượng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bước đi quan trọng để tỉnh phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Với chiến lược phát triển đồng bộ và các giải pháp cụ thể, tỉnh Bến Tre kỳ vọng sẽ trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bến Tre nằm ở hạ lưu sông Mekong, giáp với biển Đông, với mạng lưới sông ngòi chằng chịt có tổng chiều dài xấp xỉ 6.000km. Đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam được bao bọc bởi 4 con sông, trong đó có sông Cổ Chiên dài 82km, sông Hàm Luông dài 71km, sông Ba Lai dài 59km, sông Tiền dài 83km.