Tỉnh giàu nhất Việt Nam có quy mô kinh tế tăng hơn 100 lần so với năm 1997, quyết tâm trở thành đô thị mang tầm quốc tế
Sau hơn 25 năm xây dựng và phát triển, Bình Dương hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ hiện đại, đạt tầm khu vực và quốc tế vào năm 2025.
Những thành tựu sau 25 năm không ngừng phát triển
Sau 25 năm phát triển, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu quan trọng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, từ nông nghiệp sang công nghiệp  - dịch vụ. Quy mô kinh tế tăng hơn 100 lần so với năm 1997, với GRDP bình quân đầu người đạt 7.000 USD, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước.
Tỉnh Bình Dương với mục tiêu trở thành trung tâm đô thị mang tầm quốc tế vào năm 2050 - Ảnh: Internet |
Tỉnh đã đẩy mạnh quy hoạch và xây dựng đô thị, nổi bật với mô hình đô thị công nghiệp - dịch vụ và dẫn đầu trong phát triển đô thị thông minh. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội cơ bản hoàn chỉnh, sở hữu hơn 2 triệu m² sàn và 60.000 căn hộ cho 200.000 công nhân và người thu nhập thấp. Bình Dương đang trở thành điểm sáng trong phát triển đô thị hiện đại.
Những thách thức cần vượt qua để trở thành đô thị mang tầm quốc tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 790/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm phát triển năng động của Đông Nam Á.
Để đạt được mục tiêu này, Bình Dương cần phối hợp với các chương trình phát triển quốc gia, vùng Đông Nam Bộ và các địa phương lân cận, mở rộng kết nối giao thông, khoa học công nghệ và nguồn nhân lực để tạo động lực cho chuyển đổi hệ sinh thái phát triển mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù tỉnh Bình Dương đã chú trọng công tác quy hoạch đô thị, địa phương vẫn cần nâng cao chất lượng để khai thác hiệu quả quỹ đất, cảnh quan, môi trường  và không gian ngầm đô thị. Diện mạo kiến trúc đô thị hiện thiếu bản sắc và điểm nhấn đặc trưng của Bình Dương.
Bên cạnh đó, tỉnh cần khắc phục một số vấn đề để phát triển bền vững: thiếu quy chuẩn thống nhất về đô thị thông minh, cơ sở hạ tầng dữ liệu dùng chung còn yếu kém, và thiếu sự đồng bộ trong quy hoạch và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.
Đặc biệt, tỉnh cần tập trung phân vùng phát triển thành 3 khu vực không gian động lực. Cụ thể:
Khu vực 1 (gồm thành phố Thuận An và Dĩ An): Tái thiết đô thị, di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm lên phía Bắc.
Khu vực 2 (gồm thành phố Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Bến Cát và huyện Bàu Bàng): Tập trung vào đổi mới sáng tạo, công nghệ tiên tiến và đô thị thông minh.
Khu vực 3 (gồm huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Dầu Tiếng): Hình thành các khu công nghiệp thế hệ mới, thu hút phát triển mô hình đô thị - công nghiệp - dịch vụ sinh thái.
Tỉnh cũng cần nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài để cải thiện hiệu quả sản xuất và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm đô thị quốc tế.
>>Bệnh viện lớn nhất Bình Dương bị phạt 370 triệu đồng