Tỉnh lớn nhất cả nước sau sắp xếp: Có 2 địa danh đặc biệt không 'thay tên đổi họ'
Hiện nay, tỉnh đang triển khai mạnh mẽ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Sau sắp xếp, toàn tỉnh sẽ còn lại 130 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 11 phường và 119 xã), giảm 282 đơn vị so với hiện tại.
Tỉnh Nghệ An đang triển khai mạnh mẽ việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo tồn các giá trị truyền thống, lịch sử và văn hóa đặc sắc của từng vùng đất.
Tại huyện Nam Đàn, theo phương án đã thông qua, 17 đơn vị hành chính cấp xã sẽ được sắp xếp lại còn 5 đơn vị, giảm 12 xã, tương ứng tỷ lệ 70,59%. Trong đó, bốn xã mới được đề xuất đặt tên theo thứ tự từ Nam Đàn I đến Nam Đàn IV. Riêng xã Kim Liên được giữ nguyên tên gọi sau khi sáp nhập 5 xã: Kim Liên, Hùng Tiến, Xuân Hồng, Nam Giang và Nam Cát. Xã Kim Liên mới có tổng diện tích 61,08km², dân số hơn 55.400 người.
Việc giữ nguyên tên gọi Kim Liên được xem là hoàn toàn hợp lý và cần thiết. Đây không chỉ là một địa danh hành chính, mà còn là vùng đất thiêng liêng – quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi còn lưu giữ không gian văn hóa, lịch sử và nhiều hiện vật quý giá gắn với tuổi thơ của Người và thân nhân. Kim Liên hiện là Khu di tích quốc gia đặc biệt, mang tầm ảnh hưởng rộng lớn cả trong nước và quốc tế. Việc giữ lại tên Kim Liên chính là cách tỉnh Nghệ An bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa cốt lõi của dân tộc.
![]() |
Khu di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An |
Tại thành phố Vinh, phương án sắp xếp 33 phường, xã hiện hữu thành 6 đơn vị hành chính mới cũng đã được đề xuất. Với tỷ lệ giảm lên đến 84,38%, năm phường mới sẽ được đặt tên theo thứ tự từ Vinh I đến Vinh V. Riêng địa bàn gồm 7 phường thuộc thị xã Cửa Lò trước đây, gồm Nghi Hòa, Nghi Hải, Nghi Hương, Nghi Thu, Thu Thủy, Nghi Thủy và Nghi Tân, được đề xuất nhập lại thành một đơn vị hành chính mang tên Cửa Lò. Phường Cửa Lò mới có diện tích hơn 29 km², dân số gần 65.000 người.
Giữ lại tên gọi Cửa Lò trong quá trình sắp xếp là cách tiếp cận mang tính biểu tượng và thực tiễn. Đây là tên gọi quen thuộc, gắn với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân và là thương hiệu du lịch nổi bật không chỉ của Nghệ An mà còn của cả khu vực Bắc Trung Bộ. Cửa Lò đã được định vị vững chắc trong lòng du khách thập phương, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Việc bảo lưu tên gọi này giúp duy trì sự ổn định về hình ảnh, thương hiệu và tâm lý cộng đồng, nhất là trong công tác xúc tiến đầu tư và du lịch.
Theo Đề án vừa được UBND tỉnh Nghệ An thông qua, việc đặt tên các đơn vị hành chính mới được thực hiện theo hướng dẫn tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Cách đặt tên được lựa chọn dựa trên nhiều yếu tố, kết hợp giữa truyền thống, văn hóa, lịch sử và tính thực tiễn quản lý hành chính.
Tại huyện Kỳ Sơn, 21 xã được sắp xếp còn 12 xã, giảm 9 đơn vị với tỷ lệ 42,86%. Các tên gọi mới của xã kết hợp giữa giữ nguyên tên cũ và đặt tên phản ánh bản sắc dân tộc. Huyện Quỳ Châu có 12 xã được sắp xếp thành 4, giảm 8 đơn vị, tỷ lệ giảm 66,67%. Huyện Quế Phong cũng giảm từ 13 xuống còn 5 xã, giảm 8 xã với tỷ lệ giảm 61,54%. Việc đặt tên tại các huyện miền núi này chú trọng tới yếu tố văn hóa, truyền thống và bản sắc cộng đồng dân tộc thiểu số.
Tại huyện Thanh Chương, đề án sắp xếp 29 xã thành 9 xã, giảm 20 đơn vị, đạt tỷ lệ 68,97%. Tên gọi các xã mới như Cát Ngạn, Tam Đồng, Hạnh Lâm, Sơn Lâm, Hoa Quân, Kim Bảng, Bích Hào, Đại Đồng và Xuân Lâm đều gợi nhớ về truyền thống lâu đời, văn hóa bản địa, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Với các huyện, thị xã còn lại, cách đặt tên chủ yếu là gắn tên đơn vị hành chính cấp huyện với số thứ tự, vừa đảm bảo tính thống nhất, vừa thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước và đời sống dân sinh.
Từ ngày 19/4, 20 huyện, thành phố và thị xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An đồng loạt tổ chức lấy ý kiến cử tri và trình Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp tỉnh để xem xét thông qua đề án. Quá trình lấy ý kiến dự kiến hoàn thành trước ngày 25/4. Sau đó, UBND tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ, trình Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An xem xét tại kỳ họp chuyên đề dự kiến tổ chức ngày 28/4 tới.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là bước đi quan trọng trong tiến trình đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước. Tại Nghệ An, quá trình này không chỉ được thực hiện theo hướng tinh gọn, hiệu quả mà còn đặt trọng tâm vào việc bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử gắn bó mật thiết với mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng dân cư.
Hiện tại, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với hơn 16.489km2, dân số hơn 3,4 triệu người và tổng cộng 412 phường, xã.
>> Tập đoàn Hàn Quốc có vốn hóa 200 tỷ USD đổ bộ Nghệ An, nhắm đến siêu dự án điện khí LNG
Liên danh ACC – Cienco4 trúng gói thầu 168 tỷ nâng cấp sân bay thuộc tỉnh lớn nhất cả nước
Nếu hai tỉnh giàu xứ Kinh Bắc tái sáp nhập, sẽ hình thành 'siêu tỉnh công nghiệp'