Tỉnh sở hữu nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á dồn lực làm 3 đoạn cao tốc hơn 28.000 tỷ đồng
Tương lai khi các tuyến đường này được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tính kết nối vùng kinh tế sông Hồng và Tây Bắc.
Theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg về Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hòa Bình sẽ có thêm nhiều tuyến đường mới, đặc biệt là có 2 tuyến cao tốc với 4 đoạn đi qua là: Cao tốc Bắc - Nam  phía Tây (đoạn Ba Vì - Chợ Bến và đoạn Chợ Bến - Thạch Quảng); Cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình và đoạn Hòa Bình - Mộc Châu).
Sự trù phú của tỉnh Hòa Bình nhìn từ trên cao. Ảnh internet
Cao tốc Ba Vì (Hà Nội) – Chợ Bến (Hòa Bình) có điểm đầu tại xã Hòa Sơn, Lương Sơn và điểm cuối tại xã Chợ Bến, Thanh Cao, huyện Lương Sơn có chiều dài khoảng 35,4km. Quy mô kỹ thuật đường cao tốc, 6 làn xe. Dự án dự kiến tổng đầu tư hơn 9.100 tỷ đồng
Đoạn tuyến Chợ Bến (Hòa Bình) – Thạch Quảng (Thanh Hóa) có điểm đầu tại xã Chợ Bến, Thanh Cao, huyện Lương Sơn và điểm cuối tại xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn; tuyến có chiều dài khoảng 49,6 km, quy mô kỹ thuật đường cao tốc, 4 làn xe.
Cao tốc Hòa Lạc  – Hòa Bình là tuyến đường đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang đường bộ nối Tây Bắc với Hà Nội, đồng thời tăng hiệu quả khai thác tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực Tây Bắc nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Dự án này dự kiến tổng mức đầu tư 9.382 tỷ đồng
Đoạn qua địa bàn tỉnh Hòa Bình có điểm đầu là xã Quang Tiến, TP. Hòa Bình (giáp ranh Hà Nội) hướng phía Tây Nam về trung tâm thành phố Hòa Bình. Điểm cuối giao QL.6 phường Trung Minh, thành phố Hòa Bình; Hướng tuyến trên cơ sở tuyến hiện trạng, không thay đổi; Chiều dài tuyến đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình có chiều dài khoảng 19,32km.
Tỉnh Hòa Bình dự kiến bổ sung thêm nhiều tuyến đường vào mạng lưới giao thông miền Bắc. Ảnh minh hoạ
Dự án có 4 nút giao: Km14.104 – Khu công nghiệp Yên Quang; Km19.600, giao với ĐT.445C quy hoạch; Km23.420 – Đường liên kết vùng nối cầu Hòa Bình 6; Km29.400(P) – đường dẫn sang cầu Hòa Bình 5.
Quy mô kỹ thuật đạt tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN5729-2012 có đường gom, đoạn không qua đô thị (cao tốc loại B) có vận tốc thiết kế 100km/h, mở rộng 10 làn xe trong đó 6 làn cao tốc (có dự trữ quỹ đất hai bên đường để xây dựng hệ thống đường bên quy mô 4 làn xe – mỗi bên 2 làn và xây dựng đường sắt  liên vùng trong tương lai), với tổng chiều rộng nền đường hoàn thiện khoảng từ 80m-110m.
Tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu có điểm đầu tại nút giao với đường Hòa Lạc – Hòa Bình, Km29.400 tại phường Trung Minh – TP. Hòa Bình rẽ sang cầu Hòa Bình 5, đi qua các xã Yên Mông, xã Hòa Bình TP. Hòa Bình; xã Toàn Sơn, TT. Đà Bắc, xã Cao Sơn, xã Tiền Phong huyện Đà Bắc; xã Tân Thành huyện Mai Châu đến điểm cuối tại xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, chiều dài khoảng 53km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cao tốc, 4 làn xe. Dự án dự kiến đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.
Dự án có 6 nút giao: giao với cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình (Km29 LT Hòa Lạc – Hòa Bình); Giao QL.70B (đầu cầu Hòa Bình 5); Giao QL 32D (ĐT.433 cũ – Km7); Giao QL.32D (ĐT.433 cũ km19-Thị trấn Đà Bắc); Giao QL.32D ( ĐT.433 cũ- km29- Cao Sơn); Km53 – giao ĐT.432 (kết nối ra QL.6 địa phận Mai Châu).
Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng là cửa ngõ giao lưu giữa các tỉnh Tây Bắc với các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng, Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển vùng Đông Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh… Tương lai khi các đoạn tuyến này được xây dựng và đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng tính kết nối vùng của tỉnh Hòa Bình.
Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hòa Bình là nơi xây dựng một trong những "công trình thế kỷ" là Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, biểu tượng của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đây cũng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ 20 với hồ chứa nước lên đến 240km.