Tỉnh sở hữu nhà máy thủy điện từng lớn nhất Đông Nam Á chuyển 8,2ha đất rừng để xây đê chống ngập
Quyết định này nhằm thực hiện dự án cấp bách đê ngăn lũ và chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, với tổng vốn đầu tư hơn 144 tỷ đồng.
Hòa Bình chủ động ứng phó với thiên tai như thế nào?
Ngày 10/9/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ra Công điện số 24/CĐ-UBND về việc khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 3  và sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai mới.
Theo đó, bão số 3 đã gây ra mưa lớn trên diện rộng ở khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi và trung du. Dự báo thời tiết cho thấy mưa lớn sẽ kéo dài, gây nguy cơ cao về lũ lớn, sạt lở đất và ngập lụt cục bộ, đặc biệt ở vùng trũng thấp.
Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu lãnh đạo các huyện, thành phố khẩn trương chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Ưu tiên khôi phục các công trình hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước, đê điều và các công trình giao thông bị hư hại.
Đặc biệt, cần rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét, đồng thời sơ tán dân cư để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.
Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng để xây đê chống ngập
Trong kỳ họp thứ 20, HĐND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng 8,27ha đất rừng  trồng tại xã Hợp Thành và phường Kỳ Sơn, TP. Hòa Bình, ra khỏi quy hoạch ba loại rừng. Quyết định này nhằm thực hiện dự án cấp bách đê ngăn lũ và chống ngập úng Pheo - Chẹ hạ du sông Đà, với tổng vốn đầu tư hơn 144 tỷ đồng.
Dự án nhằm cải tạo và nâng cấp tuyến đê kết hợp đường giao thông dọc bờ trái sông Đà, với tổng chiều dài 6,2km. Các hạng mục chính của dự án bao gồm: xây dựng thân đê, mái đê, hệ thống thoát nước ngang và dọc, kênh mương hoàn trả thủy lợi, cầu Ngòi Móng, và tuyến đường tránh qua cầu Ngòi Mại.
Tuyến đê bắt đầu từ khu vực Pheo, phường Kỳ Sơn và kết thúc tại xóm Nhả, xã Hợp Thành, với mục tiêu chống ngập úng cho khu vực này, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ dân cư trước nguy cơ thiên tai.
Hòa Bình có vị trí địa lý chiến lược, là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng Tây Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài ra, tỉnh cũng là nơi tọa lạc của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - biểu tượng công nghiệp hóa của Việt Nam, với hồ chứa nước rộng 240km, từng là nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vào thế kỷ XX.