Tỉnh này có cảng biển lớn nhất Việt Nam, thuộc top 12 cảng biển lớn nhất thế giới sẽ là một trong 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước.
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, quy mô 1.982,56km2 gồm các đơn vị hành chính: TP. Bà Rịa, TP. Vũng Tàu, thị xã Phú Mỹ và các huyện: Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Côn Đảo.
Đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu của cả nước; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Bộ; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu cơ bản đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng đa phương thức. Duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.
Trong quy hoạch, Bà Rịa - Vũng Tàu xác định du lịch là một trong 5 trụ cột kinh tế quan trọng. Đến năm 2030, dự kiến ngành du lịch tỉnh sẽ đón gần 65 triệu lượt khách, trong đó lưu trú đạt khoảng 17 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 102 tỷ đồng với các dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Dự kiến đến năm 2025, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ có 7 đô thị biển.
Phát huy lợi thế biển, đảo, cảnh quan núi rừng, tài nguyên đa dạng sinh học và các tài nguyên văn hóa, lịch sử để phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trong đó, phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.
Phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển: Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong Vùng Đông Nam Bộ.
>> Danh tính tập đoàn Thái Lan muốn làm khu công nghiệp đô thị 1.200ha tại Vũng Tàu 
Đến năm 2030, tất cả các địa phương trong tỉnh đều có tối thiểu một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm; hình thành tổ hợp giải trí đêm riêng biệt tại Xuyên Mộc, Vũng Tàu; phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch đêm như: chợ đêm, casino, nghệ thuật đường phố, dịch vụ ăn uống giới thiệu ẩm thực truyền thống của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, của Việt Nam và ẩm thực nổi tiếng thế giới.
Về phát triển kinh tế biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam thuộc thị xã Phú Mỹ với tổng chiều dài hơn 14km. Cảng này được xếp hạng là cảng biển lớn thứ 12 trên thế giới, cao hơn một số cảng biển lớn của các quốc gia phát triển như Cảng Singapore (vị trí thứ 18), Cảng Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Cảng Busan - Hàn Quốc (thứ 22).
Cảng Gemalink thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đủ khả năng tiếp nhận các thế hệ tàu container lớn nhất thế giới hiện nay, trong đó có siêu tàu OOCL Spain. Cảng đáp ứng các yêu cầu khắt khe của các hãng tàu quốc tế, đồng thời củng cố hơn nữa vai trò quan trọng của cụm cảng nước sâu Cái Mép trên các tuyến hàng hải xuyên châu lục.
Phát triển hạ tầng logistics gắn với hạ tầng thương mại đồng bộ và hạ tầng công nghệ thông tin đủ điều kiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ cao. Xây dựng trung tâm logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, đảm nhận chức năng phân phối hàng hóa của khu vực; liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hình thành khu thương mại tự do (Free Trade Zone) gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, bao gồm hệ sinh thái công nghiệp - dịch vụ hoàn chỉnh.
Về giao thông, dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt bắc qua sông Thị Vải. Đây là cây cầu động lự' cho sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án cầu Phước An dài gần 4,4km, có tổng mức đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng. Dự kiến tháng 12/2027 sẽ hoàn thành.
Sau năm 2030, tỉnh nghiên cứu đầu tư xây dựng 3 tuyến đường sắt đô thị Metro, MonoRail.
Tuyến đường sắt số 1: hoạt động chính trên đường ven biển và bao quanh khu nội thành của thành phố Vũng Tàu; tuyến số 2: Kết nối các đô thị ven biển Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Hồ Tràm, Bình Châu... tuyến số 3: kết nối Vũng Tàu - Bà Rịa - Phú Mỹ (tuyến này có phương án kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành và thành phố Nhơn Trạch thuộc tỉnh Đồng Nai).
Tỉnh dự kiến quy hoạch 2 sân bay chuyên dùng là sân bay Gò Găng (thay thế sân bay Vũng Tàu hiện nay để chuyển sang mục đích phát triển thương mại dịch vụ) và sân bay Đất Đỏ là sân bay cấp 4C, diện tích đất dự kiến khoảng 244,3ha.
Bên cạnh đó, một loạt tuyến đường vành đai, cao tốc được đưa vào quy hoạch, như cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, đường vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường ven biển ĐT994. Những tuyến đường này đã được tỉnh lên kế hoạch xây dựng trong thời gian tới.
>> Tỉnh cách trung tâm TP. HCM 45km sắp có 3 cây cầu lớn trị giá 205 triệu USD 
Tỉnh nằm trong vùng khô hạn nhất Việt Nam vừa khởi công nhà máy FDI đầu tiên 
Đà Nẵng muốn chi 2.000 tỷ đồng để đầu tư một cụm nút giao thông