Tỉnh ven biển miền Trung sẽ triển khai dự án khoáng sản xuyên biên giới gần 1.500 tỷ đồng
Dự án băng tải than đá từ nước láng giềng Lào về Việt Nam có tổng chiều dài hơn 6km với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.
UBND tỉnh Quảng Trị  mới đây đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam do Công ty TNHH Nam Tiến làm chủ đầu tư. Dự án được triển khai trên địa bàn xã xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Theo đó, quy mô dự án có diện tích đất là 23,82ha, hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam có chiều dài 6,115km. Công suất thiết kế của dự án là 30 triệu tấn/năm, trong đó giai đoạn 1 là 15 triệu tấn/năm và giai đoạn 2 là 15 triệu tấn/năm.
Theo thiết kế, băng tải vận chuyển than đá dài 6,115km sẽ kết nối với đoạn băng tải của Lào. Điểm đầu tuyến tại đường biên giới Việt - Lào và điểm cuối tuyến tại kho bãi hàng hóa phía Việt Nam nằm tại thôn A Đeng, xã A Ngo, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Phương án tuyến được triển khai với 3 đoạn, trong đó đoạn 1 là tuyến nằm trong phạm vi 100m tính từ đường biên giới về phía lãnh thổ Việt Nam.
>> Tỉnh ở Bắc Bộ không có rừng, biển, núi đang hình thành một trung tâm công nghiệp lớn 
Các công trình phụ trợ của dự án gồm các trạm chuyển tải, trạm biến áp và đường dây; hệ thống cung cấp điện, điều khiển; hệ thống cung cấp nước; hệ thống thông tin liên lạc; hệ thống kiểm soát người và hàng hóa thẩm lậu; hệ thống PCCC; hệ thống camera giám sát…
Giai đoạn 1, tuyến băng tải được bố trí gồm 2 băng tải công suất mỗi băng là 1.500 tấn/h nằm song song trên hệ thống cột, dàn, cầu đỡ chung.
Giai đoạn 2, dự án sẽ đầu tư bổ sung tuyến băng tải có năng suất vận chuyển 3.000 tấn/h (tương đương 15 triệu tấn/năm), chạy song song và gần sát với tuyến băng tải giai đoạn 1, chiều dài khoảng 6.115m cùng các công trình phụ trợ đồng bộ.
Thời hạn hoạt động của dự án 30 năm kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.
Dự án Xây dựng hệ thống băng tải vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam đoạn trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam hướng đến mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án sẽ đáp ứng một phần nhu cầu tiêu thụ than trong nước, phục vụ phát triển ngành kinh tế, đồng thời giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế La Lay và khắc phục ùn tắc giao thông tại tuyến Quốc lộ 15D.
Chuẩn bị triển khai tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng 380km 
Trung Quốc sắp cùng Việt Nam xây 3 tuyến đường sắt nối liền hai nước