Tổng Giám đốc bị khởi tố, Công ty Vàng SJC bổ nhiệm sếp mới
Biến động nhân sự này diễn ra trong bối cảnh 6 cá nhân tại SJC vừa bị khởi tố.
Website chính thức của Công ty TNHH Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) vừa cập nhật thông tin mới về biến động nhân sự tại doanh nghiệp này.
Theo đó, ông Đào Công Thắng hiện giữ chức Quyền Tổng Giám đốc. Phần nội dung giới thiệu Ban Tổng Giám đốc cũng chỉ có duy nhất tên ông Thắng.
Trước đó, theo báo cáo tài chính năm 2023, ông Thắng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc, và được tái bổ nhiệm từ 30/7/2019. Ông Thắng lần đầu được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc SJC vào tháng 4/2014.
Tuy nhiên, trên website của SJC chưa công bố văn bản chính thức về việc bổ nhiệm Quyền Tổng Giám đốc mới. Đơn vị này hiện chỉ thay đổi tên, chức danh tại phần giới thiệu sơ đồ tổ chức của doanh nghiệp.
Trước ông Thắng, chức vụ Tổng Giám đốc SJC do bà Lê Thúy Hằng nắm giữ. Bà Hằng chính thức nhận chức Tổng Giám đốc SJC vào tháng 12/2019.
Trong khi đó, Hội đồng thành viên SJC chỉ có 2 người, gồm ông Trần Văn Tịnh - Chủ tịch HĐTV và ông Nguyễn Tiến Phước - Thành viên HĐTV. Ban Kiểm soát của công ty cũng chỉ có duy nhất một người là ông Nguyễn Công Tường.
Trước đó, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 9/11, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an thông tin, 6 người tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và các đơn vị liên quan đã bị khởi tố do lợi dụng mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, đại diện Bộ Công an chưa công bố danh tính và hành vi cụ thể của những người này. Vụ việc đang được mở rộng điều tra.
SJC là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, trực thuộc UBND TP. HCM. Từ năm 2012, SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia.
Trong cuộc họp hồi tháng 5 vừa qua, nguyên Tổng Giám đốc SJC Lê Thúy Hằng cho biết, SJC không được lợi khi được chọn là đơn vị độc quyền vàng miếng. Trước năm 2012 (thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời) vốn sở hữu của SJC là 400 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỷ đồng một năm. Từ sau năm 2012, mức lãi của SJC sụt giảm mạnh, còn vài chục tỷ đồng.
Năm 2023, SJC đạt doanh thu hơn 28.400 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 61 tỷ, tức bán được 1 tỷ đồng chỉ lãi 2 triệu đồng.
Năm 2024, SJC đạt ra kế hoạch doanh thu khoảng 30.145 tỷ đồng và lãi 70,2 tỷ, tăng lần lượt 6% và 15% so với năm 2023.
Sau vụ khởi tố 6 bị can, Công ty vàng SJC có quyền tổng giám đốc mới 
Giá vàng hôm nay 26/12/2024: Thế giới đảo chiều, SJC và nhẫn trơn lập tức tăng