Tổng thống đắc cử Donald Trump: 4 năm ‘tìm đường’ về Nhà Trắng và những thứ chưa từng có trong lịch sử
Sự kiện ông Trump trở lại Nhà Trắng không chỉ là sự kiện làm rung chuyển chính trị Mỹ mà còn tác động sâu sắc đến bức tranh địa chính trị toàn cầu.
“Sự nghiệp chính trị bùng nổ và rực rỡ của ông Donald Trump đã chính thức đến hồi kết”. Đó là nhận định được tờ The Hill đưa ra vào đầu năm 2021. Bốn năm trước, vị tỷ phú bất động sản đã thất bại trước Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chiến dịch tái tranh cử. Ông nhận hàng loạt chỉ trích nặng nề sau vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 và mối quan hệ với một số đồng minh trong Đảng Cộng hòa cũng rạn nứt.
Cùng lúc đó, ông phải đối mặt với các cuộc điều tra và thách thức pháp lý từ nhiều phía. Điều này khiến không ít người cho rằng dường như Donald Trump không còn cơ hội để quay lại chính trường.
Tuy nhiên, người đàn ông khi đó đã bước sang tuổi 75 không hề lùi bước. Với khả năng duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ từ nhóm cử tri trung thành, ông tái khẳng định vị thế trong Đảng Cộng hòa và triển khai một chiến dịch tranh cử đầy chiến lược.
Sau tất cả, Donald Trump đã làm nên kỳ tích khi tái lập một dấu mốc lịch sử sau 132 năm. Với chiến thắng vang dội tại cả 7 bang chiến trường và giành trọn 93 phiếu đại cử tri, ông đã vượt qua ngưỡng cần thiết để đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Đồng thời, ông trở thành Tổng thống thứ hai trong lịch sử nước Mỹ đắc cử hai nhiệm kỳ không liên tiếp.
“Tôi sẽ chiến đấu vì các bạn với từng hơi thở. Đây thực sự sẽ là thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”, ông Trump phát biểu chiến thắng tại Trung tâm Hội nghị ở bang Florida. Dẫu vậy, “4 năm tìm lại ánh hào quang” của vị Tổng thống đắc cử này không hề dễ dàng.
Donald Trump là cái tên hoàn toàn “mới mẻ” trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, ở thời điểm đó, chẳng ai ngờ ông có thể đánh bại ứng viên Dân chủ Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
Tuy nhiên, kỳ tích không lặp lại lần hai ở năm 2020 khi ông thất bại trước ông Joe Biden và cuộc sống hậu bầu cử của ông không hề suôn sẻ. Sau đó, vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1/2021 đã khiến ông trở thành trung tâm của nhiều chỉ trích và các cuộc điều tra. Những sự kiện này không chỉ tạo nên một cú sốc đối với nền dân chủ Mỹ mà còn dẫn đến việc ông bị chỉ trích mạnh mẽ từ cả trong và ngoài Đảng Cộng hòa.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos, Bộ trưởng Giao thông Elaine Chao cùng một số quan chức chính quyền Trump đã nhanh chóng từ chức để phản đối cuộc bạo loạn. Thậm chí, một trong những đồng minh thân cận nhất - Thượng Nghị sĩ Cộng hòa Nam Carolina - ông Lindsey Graham cũng đã quay lưng với ông Trump.
Chưa hết, làn sóng “quay lưng” lại với ông Trump còn đến từ giới doanh nghiệp, khi hàng chục tập đoàn lớn như Nike, Microsoft tuyên bố ngừng hỗ trợ cho những người Cộng hòa phản đối kết quả bầu cử năm 2020.
Đối mặt với muôn trùng khó khăn nhưng đối với Donald Trump, “về hưu” là điều không thể. Ông đã bắt đầu dành thời gian gặp gỡ các nhà lập pháp Cộng hòa để duy trì ảnh hưởng chính trị. Những buổi gặp gỡ này giúp ông giữ liên kết với Đảng Cộng hòa và chuẩn bị cho các chiến dịch tương lai.
Đến cuối tháng 2/2021, khi làn sóng chỉ trích của dư luận về bạo loạn Đồi Capitol dần lắng xuống, ông Trump đã bắt đầu tham gia sự kiện công khai đầu tiên hậu Nhà Trắng. Và đến ngày 15/11/2022, ông Donald Trump đã chính thức tuyên bố sẽ ra tranh cử Tổng thống vào năm 2024: “Để làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, tôi tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống”.
Trong đường đua vào Nhà Trắng, ông Donald Trump đã có được đội ngũ cộng sự “mạnh mẽ”.
Ông Chris LaCivita (57 tuổi), một cựu lính thủy đánh bộ, là Cố vấn chính trị và Quản lý chiến dịch năm 2024 của ông Trump. Chris LaCivita tập trung vào việc xây dựng và duy trì một chiến dịch mạnh mẽ ở các bang chiến trường quan trọng, trong đó có việc đưa ra các thông điệp chống lại chính quyền của ông Joe Biden.
Còn bà Susie Wiles là một chiến lược gia và nhà vận động chính trị có kinh nghiệm dày dặn tại bang Florida. Bà là một trong những người phụ nữ hiếm hoi có ảnh hưởng lớn trong Đảng Cộng hòa, được biết đến với khả năng xây dựng mạng lưới chính trị mạnh mẽ và kết nối các lãnh đạo Đảng.
Ngoài ra còn có Steven Cheung - người từng tham gia cả 3 chiến dịch tranh cử của ông Trump và là người sẵn sàng bình luận gay gắt để bảo vệ ông. Hay Brian Jack, cựu Giám đốc các vấn đề chính trị Nhà Trắng dưới thời ông Trump, cũng nằm trong nhóm nòng cốt khi phụ trách giám sát việc tiếp cận các chính trị gia và thuyết phục họ ủng hộ ông Trump.
Thêm nữa, tại tòa nhà ở Palm Beach, bang Florida, đội ngũ của ông Trump còn có khoảng hơn 30 nhân viên chiến dịch khác.
Trong hành trình tranh cử, không thể phủ nhận ông Donald Trump đã nhận được nhiều lợi thế từ mạng xã hội.
Ngày 20/10/2021, ông đã công bố kế hoạch tung ra mạng xã hội của riêng mình với tên gọi “Truth Social”. Mạng xã hội này được phát triển bởi Tập đoàn Trump Media & Technology Group (TMTG), với mục tiêu cung cấp một không gian tự do ngôn luận và bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người dùng.
Nền tảng này ra đời trong bối cảnh ông Trump bị đình chỉ tài khoản trên các nền tảng lớn như Twitter, Facebook và Youtube. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Công nghệ thông tin & Chính trị Mỹ hồi tháng 3/2024, Truth Social có hiệu quả hơn trong việc thu hút các tin tức về ông Trump trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 so với Twitter trong cuộc bầu cử sơ bộ năm 2016.
Thực tế, mạng xã hội có ảnh hưởng vô cùng quan trọng đối với kết quả cuộc bầu cử Tổng thống. Trong một cuộc phỏng vấn sau khi đắc cử năm 2016, ông Donald Trump từng nói rằng: “Nếu không có mạng xã hội, tôi khó có thể ở vị trí như hiện tại”.
Chính bởi điều này, một số chuyên gia nhận định, việc tỷ phú Elon Musk mua lại Twitter (X) đã góp phần mang lại chiến thắng cho ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024.
Đặc biệt, không chỉ X, Elon Musk cũng là “lá bài” quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Cùng với sự hỗ trợ của nhiều doanh nhân công nghệ, vị tỷ phú này đã thành lập America PAC - một Ủy ban hành động chính trị (PAC) nhằm ủng hộ chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump năm nay.
Theo thống kê, Elon Musk đã tài trợ tổng cộng gần 300 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Trump. Đáng chú ý nhất có lẽ là chiến dịch tặng 1 triệu USD cho những ai ký vào bản kiến nghị ủng hộ tự do ngôn luận và quyền sở hữu súng. Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng sự việc quả thật đã thu hút sự chú ý của công chúng.
Và sau tất cả, “canh bạc” giữa Musk và ông Trump đã thật sự có kết quả tốt.
Đến sát ngày bầu cử 5/11, các cuộc thăm dò vẫn cho thấy kết quả rất gắt gao. Các con số chỉ chênh lệch vài điểm phần trăm, và các đơn vị thăm dò lại cho kết quả khác nhau. Nhiều bên cho rằng ông Trump sẽ thắng nhưng cũng có không ít bên cho ra kết quả nghiêng về bà Kamala Harris.
Tuy nhiên, sau tất cả, ông Trump đã giành chiến thắng ở cả 7 bang chiến trường và trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông đã nhắc lại về 3 lần suýt chết vì ám sát và hành trình trở lại Nhà Trắng đầy ngoạn mục: “Chúa cứu mạng tôi là có lý do!”.
Tạp chí Newsweek gọi chiến thắng của ông Donald Trump là “sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử chính trị Mỹ”. Sau sự kiện, giới chuyên gia cùng truyền thông toàn cầu đã chỉ ra cũng như lý giải hàng loạt những yếu tố then chốt giúp ông Trump tái đắc cử.
Điển hình, ông Donald Trump đã xây dựng chiến lược hoàn hảo khi tạo ra một liên minh rộng rãi, nhắm tới nhiều đối tượng cử tri. Ông đã nỗ lực vận động những nhóm cử tri vốn trung thành với Đảng Dân chủ - gồm có người làm công ăn lương, người nội trợ, người da màu và người gốc Mỹ Latin.
Đồng thời, ông cũng tìm cách tạo dựng sự tin tưởng với những nhóm cử tri bị vỡ mộng - những người sống rải rác ở những khu vực bị lãng quên của nước Mỹ.
Ông cũng tiếp xúc với cử tri theo phái Tự do, những người nhiệt tình với Bitcoin, cử tri da đen và Latin ở vùng Bronx hay các công nhân ô tô ở Michigan.
Chính sách của ông đưa ra là “không đánh thuế” vào tiền boa của nhân viên dịch vụ; lương làm ngoài giờ của công nhân cũng như bảo hiểm xã hội của người cao tuổi.
Ngoài ra, một số cử tri cũng tỏ ra không hài lòng với cách điều hành đất nước của Tổng thống Joe Biden. Đặc biệt, Phó Tổng thống Kamala Harris dường như chưa hoàn toàn độc lập về quan điểm chính trị, đặc biệt là ở các vấn đề liên quan đến kinh tế, lạm phát và nhập cư.
Với lợi thế dẫn trước 6 điểm trong cuộc thăm dò cuối cùng của New York Times/Siena College, ông Trump vẫn là người nhận được nhiều sự tin tưởng hơn trong lĩnh vực kinh tế.
Ngoài ra, chủ trương thúc đẩy hòa bình thông qua sức mạnh của ông Trump đã khiến các đồng minh đóng góp quốc phòng nhiều hơn, từ đó giúp các liên minh và an ninh chung của Mỹ được cải thiện.
Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ tại buổi lễ nhậm chức tổ chức vào ngày 20/1/2025 tới. Nhưng từ khi đắc cử đến nay, ông đã hết sức bận rộn với công việc lựa chọn các nhân vật cho nội các và vạch ra đường lối cho 4 năm tiếp theo.
Sau khi châm ngòi chiến tranh thương mại trong nhiệm kỳ đầu tiên, những động thái gần đây của ông Trump cho thấy thương mại quốc tế sẽ tiếp tục có nhiều xáo trộn dưới thời Trump 2.0.
Ông Trump đã thông báo dự kiến áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời tăng thêm 10% với hàng hóa Trung Quốc. Thậm chí, ông cũng tuyên bố sẽ áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các nước thành viên BRICS nếu nhóm này tạo ra đồng tiền chung hoặc sử dụng đồng tiền khác để thay thế đồng USD.
Ảnh hưởng từ chính sách thuế quan này sẽ không hề nhỏ. Trước hết, khoảng 80% xuất khẩu của Mexico là vào thị trường Mỹ. Với mức thuế lên tới 25%, một số chuyên gia cho rằng đây có thể là “thảm họa” cho nền kinh tế và nước này có thể mất khoảng 5-7% GDP.
Hay Canada cũng có tới 77% hàng xuất khẩu là sang thị trường Mỹ, trong đó ngành năng lượng, sản xuất ô tô chiếm tỷ trọng rất cao. Vì vậy, những ngành công nghiệp này dự kiến bị ảnh hưởng “nặng nề”.
Chưa hết, nếu ông Trump tăng thuế nhập khẩu vào Mỹ, các quốc gia châu Á sẽ chịu ảnh hưởng lớn vì Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của khu vực này. Năm 2023, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ đạt 145 tỷ USD, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch. Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Thái Lan, Ấn Độ…
Sâu xa hơn, điều này sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền. Khi Trung Quốc bị Mỹ áp thuế mạnh tay, quốc gia châu Á sẽ tìm cách chuyển bớt lượng sản xuất dư thừa sang các quốc gia đang phát triển, từ Indonesia đến Pakistan hay Brazil.
Tuy nhiên, hàng giá rẻ từ Trung Quốc sẽ gây áp lực lên ngành công nghiệp địa phương, dẫn đến mất việc làm và cản trở nỗ lực phát triển ngành sản xuất nội địa của các quốc gia này.
Một điểm nổi bật khác là những động thái của ông Trump đối với ngành tiền số. Theo các chuyên gia, 4 năm tới thị trường này có thể “rất thuận lợi” khi ông Trump đắc cử dù có thể vẫn sẽ gặp rào cản pháp lý. Ngoài việc chọn một ứng viên thân thiện với tiền điện tử cho vị trí Chủ tịch SEC, ông còn bổ nhiệm Cựu Giám đốc điều hành PayPal David Sacks vào vai trò “cố vấn AI và tiền mã hóa Nhà Trắng”.
Trong nội các chính quyền 2.0 của ông Donald Trump, hàng loạt tỷ phú và triệu phú cũng đã được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt. Ví dụ, Elon Musk, tỷ phú giàu nhất thế giới đã được bổ nhiệm để đồng lãnh đạo “Bộ Hiệu quả Chính phủ” (DOGE) hay tỷ phú Stephen Feinberg được chọn làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng…