TOP doanh nghiệp lỗ lớn nhất 6T/2023: Bất ngờ những trường hợp đang lãi nghìn tỷ thành lỗ
TOP những doanh nghiệp lỗ lớn nhất 6 tháng đầu năm 2023 xuất hiện những cái tên ít ai có thể dự đoán khi năm tài chính 2023 bắt đầu.
Mùa báo cáo tài chính quý 2/2023 đã kết thúc, các doanh nghiệp đang dần công bố báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm. Kết thúc quý 2, thị trường tài chính lại chứng kiến nhiều sự đổi ngôi, cũng có những bất ngờ đã xảy ra.
TOP những doanh nghiệp lỗ lớn nhất 6 tháng đầu năm 2023 xuất hiện những cái tên ít ai có thể dự đoán khi năm tài chính 2023 bắt đầu, ví dụ như Novaland (NVL ), như Viettel Global (VGI ), như Vietnam Airlines (HVN ) hay Đạm Hà Bắc (DHB ), hoặc một cái tên bất ngờ nhất là Thủy sản số 4 (TS4 )...
Quán quân thua lỗ thuộc về Vietnam Airlines
Trong khi ngành hàng không phục hồi rất tốt sau đại dịch, nhiều doanh nghiệp hàng không lãi lớn thì Vietnam Airlines lại trải qua quý 2 và nửa đầu năm thua lỗ. Tín hiệu tích cực vừa xuất hiện ở quý 1 đã bị dập tắt. Quý 1/2023 HVN chỉ lỗ hơn 37 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023 doanh thu Vietnam Airlines vẫn đạt 44.059 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 47,1% so với cùng kỳ. Năm 2020, 2021 và 2022 được xem là năm khó khăn nhất của ngành hàng không khi dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi ở cả Việt Nam và trên thế giới, những lệnh giãn cách, đóng cửa khiến ngành hàng không ảnh hưởng lớn nhất. Đây cũng là 3 năm thua lỗ trên chục tỷ đồng của Vietnam Airlines.
6 tháng đầu năm 2023, dù doanh thu tăng nhưng chi phí các loại, đặc biệt là chi phí tài chính, chi phí bán hàng... khiến Vietnam Airlines lỗ hơn 1.300 tỷ đồng. Tổng lỗ lũy kế đến hết quý 2 hơn 36.600 tỷ đồng, Vietnam Airlines đã âm vốn chủ sở hữu gần 11.600 tỷ đồng.
Những doanh nghiệp lãi nghìn tỷ cùng kỳ năm ngoái bất ngờ lỗ lớn
Nửa đầu năm 2023 có đến 13 doanh nghiệp lọt danh sách lỗ lớn trên 200 tỷ đồng. Trong số đó có những doanh nghiệp chuyển từ lãi lớn cùng kỳ năm ngoái sang lỗ lớn. Nếu lấy kết quả nửa đầu năm 2022 ra so sánh, có đến 3 doanh nghiệp cùng kỳ năm 2022 lãi nghìn tỷ là Viettel Global (VGI), là Novaland và Đạm Hà Bắc.
Viettel Global là "thảm" nhất khi "rơi" từ mức lãi hơn 2.500 tỷ đồng nửa đầu năm 2022 xuống mức lỗ 625 tỷ đồng 6 tháng đầu năm 2023, mà nguyên nhân chính khiến VGI thua lỗ là chi phí tài chính.
BCTC cho thấy doanh thu 6T/2023 của Viettel Global 13.343 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ. Lãi gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 6.368 tỷ đồng, tăng 21,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính khiến VGI thua lỗ là doanh thu tài chính giảm, chi phí tài chính tăng cao, đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp tăng hơn gấp đôi, lên 4.036 tỷ đồng.
Nói về doanh thu tài chính và chi phí tài chính, tác động chính khiến doanh thu tài chính tăng và chi phí tài chính giảm là tỷ giá. Con chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến do công ty trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 2.800 tỷ đồng - tăng xấp xỉ 2.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Đạm Hà Bắc (DHB) vừa thoát cảnh thua lỗ triền miên được 2 năm nay, trong đó năm 2021 lãi vỏn vẹn 6 tỷ đồng còn năm 2022 lãi lớn gần 1.780 tỷ đồng - trong đó có đóng góp 1.347 tỷ đồng nửa đầu năm. Năm 2022 cũng được xem là năm thăng hoa của các doanh nghiệp phân bón hóa chất nói chung khi giá bán tăng vọt.
Tuy vậy, dù chịu khó khăn chung của giá bán giảm sâu, nhưng việc Đạm Hà Bắc trở lại thua lỗ với số lỗ 480 tỷ đồng cũng khó có thể nằm trong dự đoán của giới chuyên gia. Lũy kế đến hết quý 2 Đạm Hà Bắc lỗ hơn 3.450 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu 732 tỷ đồng.
Novaland là cái tên khiến nhà đầu tư nhắc tới nhiều nhất dù không phải lỗ lớn nhất. 6 tháng đầu năm 2022 Novaland lãi sau thuế 1.818 tỷ đồng. Tuy vậy sau khi những vấn đề về trái phiếu nổ ra, những doanh nghiệp bất động sản nói chung bị ảnh hưởng. Cộng với đó những vấn đề về pháp lý dự án được nhắc tới.
Doanh thu 6 tháng đầu năm giảm 64% xuống còn 1.644 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, Novaland đã lỗ gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 1.000 tỷ đồng. Kết quả, 6 tháng đầu năm Novaland lỗ 611 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái lãi hơn 1.800 tỷ đồng.
Bất ngờ mang tên Thủy sản số 4
Trong số những doanh nghiệp lỗ lớn nhất, bất ngờ mang tên Thủy sản số 4 với số lỗ 565 tỷ đồng - lọt TOP 4 doanh nghiệp lỗ lớn nhất. Số lỗ này đến từ quý 1, còn quý 2 công ty vẫn lãi sau thuế được 123 triệu đồng. Tính đến hết quý 2/2023 Thủy sản số 4 lỗ lũy kế 770 tỷ đồng, đã âm vốn chủ sở hữu 511 tỷ đồng.
Quý 1/2023 Thủy sản số 4 báo doanh thu tăng gấp 11 lần cùng kỳ lên gần 54 tỷ đồng. Tuy vậy chi phí vốn tăng đột biến nên công ty lỗ gộp 563 tỷ đồng. Thủy sản số 4 không giải trình về việc doanh thu tăng đột biến.
Khi Thủy sản số 4 lỗ đột biến, mọi con mắt đổ dồn vào, lại ghi nhận doanh nghiệp thủy sản có vốn điều lệ 162 tỷ đồng này đang đi vay nợ chồng chất với 491 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và 44 tỷ đồng vay nợ thuê tài chính dài hạn.
Chủ nợ lớn nhất của TS4 là BIDV với 297 tỷ đồng. Ngoài ra TS4 còn khoản vay lớn tại Việt Á Bank (VAB ) với số vay tiền VND hơn 117 tỷ đồng và nhiều khoản vay bằng USD khác. Ngoài ra Thuỷ sản số 4 còn gây chú ý với rất nhiều khoản vay mượn liên quan các cá nhân.
Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS ) là công ty chứng khoán duy nhất lọt danh sách các doanh nghiệp lỗ trên 200 tỷ đồng. Những doanh nghiệp còn lại trong top doanh nghiệp lỗ trên 200 tỷ đồng nửa đầu năm 2023 còn có thép Pomina (POM ), có SMC , VnSteel (TVN ), có MSR , MML , Hoàng Anh Gia Lai Agrico (HNG ) và FPT Retail (FRT ).