TP. HCM chi 4.000 tỷ làm dự án cầu đường 'phá thế tắc nghẽn' hàng thập kỷ cho cửa ngõ phía Nam
TP. HCM hiện đang thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng nhằm khởi công xây dựng dự án cầu đường Nguyễn Khoái với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Ban Quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP. HCM và Sở Giao thông Vận tải TP. HCM, nhằm phối hợp tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến chi phí bồi thường và tái định cư của dự án cầu đường Nguyễn Khoái, nối liền quận 1, quận 4 và quận 7.
Theo chủ đầu tư, chi phí bồi thường cho dự án cầu đường Nguyễn Khoái ước tính khoảng 1.077 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với dự kiến khi áp dụng Luật Đất đai 2024.
Tuy nhiên, mức tăng này vẫn nằm trong phạm vi chi phí dự phòng của dự án và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt là 3.725 tỷ đồng.
Đáng lưu ý, chi phí bồi thường của dự án không bao gồm nhánh cầu trên đường Tôn Thất Thuyết, do phần này đã được thực hiện trong dự án giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Tôn Thất Thuyết và công viên cây xanh bờ kênh Tẻ, kết hợp giải tỏa nhà ven kênh rạch.
Dự án này đã được HĐND TP. HCM thông qua từ năm 2016, và hiện đã có 392/472 hộ dân ven kênh hoàn tất các thủ tục đo đạc, kiểm đếm.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư khẳng định rằng dự án cầu đường Nguyễn Khoái không cần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư. Để đảm bảo tiến độ, chủ đầu tư kiến nghị Sở TN&MT TP. HCM hỗ trợ kiểm tra và đôn đốc quận 4 khẩn trương hoàn thành các thủ tục bồi thường và tái định cư, với mục tiêu phê duyệt phương án trước ngày 30/12/2024.
Đồng thời, Sở GTVT TP. HCM được đề nghị thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh và phối hợp với các sở, ngành liên quan để đảm bảo tính đồng bộ trong quy hoạch.
Cầu đường Nguyễn Khoái được xem là một trong những dự án trọng điểm của TP. HCM bắc qua sông Kênh Tẻ, kết nối quận 7, quận 4 và quận 1, với mục tiêu không chỉ kết nối giao thông giữa các quận trung tâm, mà còn giảm tải cho hệ thống giao thông hiện tại, đặc biệt là ở khu vực cửa ngõ phía Nam TP.
Dự án này được người dân kỳ vọng sẽ giảm áp lực giao thông và tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm trong khu vực khi tình trạng này kéo dài hàng thập kỷ.
Dù đã nằm trong quy hoạch, dự án vẫn chưa thể triển khai suốt hơn một thập kỷ qua do thiếu vốn, khiến khu vực này trở thành điểm tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại và kết nối giữa ba quận.
Trong giai đoạn 2017-2019, TP. HCM đã phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của dự án. Sau đó, nhiều kiến nghị về việc điều chỉnh quy mô dự án đã được đưa ra để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao thông và tăng hiệu quả khai thác.
Chủ đầu tư cũng đã đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, bao gồm việc lập và thẩm định các điều chỉnh trong kế hoạch đầu tư công. Đến năm 2023, dự án đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh.
UBND TP đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo tiến độ khởi công vào tháng 12/2024.
>> Việt Nam sắp có siêu cảng logistics thông minh đầu tiên tại ASEAN