TP. HCM gỡ khó cho 5 dự án ‘khủng’, có siêu dự án 900 triệu USD của Tập đoàn Lotte
Nếu 5 dự án này được tháo gỡ, sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố trên 18.000 tỷ đồng.
Ngày 3/12 vừa qua, Ủy ban Nhân dân TP. HCM đã tổ chức họp Tổ Công tác xem xét tháo gỡ cho 5 dự án có vướng mắc, khó khăn theo đề nghị của Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng, Ủy ban Nhân dân TP. Thủ Đức.
5 dự án được Tổ Công tác đề nghị TP. HCM tháo gỡ vướng mắc không chỉ tránh lãng phí đất đai mà cũng sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố hơn 18.000 tỷ đồng.
Cụ thể, thứ nhất là Khu phức hợp thông minh tại Khu chức năng 2a trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm  do Công ty TNHH Lotte Properties HCMC làm chủ đầu tư.
Khu đất thực hiện dự án. Ảnh: Zingnews |
Vào tháng 7/2017, UBND TP. HCM và Tập đoàn Lotte đã ký kết hợp đồng thực hiện dự án với tổng vốn đầu tư 900 triệu USD. Đến đầu tháng 9/2022, dự án chính thức động thổ. Tuy nhiên, sau gần 2 năm, hầu hết khu đất vẫn "án binh bất động". Đến nay dự án đã có phương án thiết kế kiến trúc, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
>> Diện mạo tuyến đường kết nối 4 quận, huyện với sân bay Tân Sơn Nhất sắp thông xe 
Thứ hai là khu phức hợp Tháp Quan sát thuộc Khu chức năng trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương - Empire City làm chủ đầu tư.
Dự án này nổi bật với tòa tháp 88 tầng mang tính biểu tượng của Khu đô thị Thủ Thiêm và là tòa tháp lớn nhất TP. HCM. Tại thời điểm công bố, dự án có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Hiện tại, dự án đã thi công hạ tầng khu đất được giao, đã xây dựng xong 3 cụm chung cư phức hợp… với tổng vốn đầu tư dự án đã giải ngân khoảng 13.000 tỷ đồng.
Do chờ giải quyết các nội dung kết luận về Khu đô thị mới Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ, công ty không thể thực hiện thủ tục pháp lý đầu tư và đất đai để triển khai tiếp.
Thứ ba là khu nhà ở cao tầng  tại phường Phú Mỹ, quận 7 do Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Hưng Lộc Phát làm chủ đầu tư.
Dự án này đã bị đình chỉ thi công vào năm 2019 do chủ đầu tư chưa hoàn tất một số thủ tục cơ bản của dự án và quỹ đất xây dựng dự án bị chồng chéo giữa các quy định và điều luật. Thời điểm đình chỉ, chủ đầu tư đã xây dựng xong hồ điều hòa; đang xây dựng đường giao thông; đang thi công ép cọc thử tải khối chung cư 27 tầng.
Thứ tư là khu đất 14,8ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức thanh toán cho hợp đồng BT dự án đường Song hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây do Công ty Nguyên Phương làm chủ đầu tư.
Thứ năm là khu thương mại và căn hộ I-Home tại số 359 đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp. Do khu đất dự án có một phần diện tích 96m2 nằm bên trong ranh dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và chưa rõ nguồn gốc pháp lý nên đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục để cấp sổ hồng cho cư dân.
Dự án đã đi vào sử dụng nhưng dân chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Internet |
Tổ Công tác đề nghị giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho 498 trường hợp đã mua căn hộ tại dự án khu thương mại  và căn hộ I-Home, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.
Theo kế hoạch được thống nhất, Sở KH&DT TP. HCM sẽ là cơ quan đầu mối tiếp tục rà soát, tập hợp nhóm các vướng mắc, khó khăn của các dự án trên địa bàn TP. Sở này sẽ tham mưu báo cáo đề xuất các kết luận của Tổ Công tác để báo cáo Tổ Công tác xem xét định kỳ 1 đến 2 lần trong một tháng để tập trung xử lý vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện các kết luận của Tổ Công tác.
Trong thời gian qua, Tổ Công tác của UBND TP. HCM đã họp 10 phiên với tổng số dự án được đưa ra xem xét, hỗ trợ tháo gỡ là 33 dự án và chỉ đạo các đơn vị rà soát , xử lý 41 dự án không đáp ứng đủ điều kiện có quyền sử dụng đất ở để được chấp thuận chủ trương thực hiện dự án nhà ở thương mại.
>> Chính phủ chỉ đạo ‘lối thoát’ cho tuyến đường tránh qua thủ phủ tơ lụa của Lâm Đồng 
Dự án cầu vượt biển gần 9.000 tỷ dài nhất Việt Nam có chuyển động mới 
Cổ đông Vinamilk (VNM) sắp nhận hơn 1.000 tỷ đồng cổ tức