TP. HCM lên 5 phương án, quyết ‘dồn lực’ triển khai cầu Thủ Thiêm 4
Nhiều khả năng, sau khi xây cầu Thủ Thiêm 4, các tàu khách và tàu nhà hàng cao dưới 15m có thể đi qua cầu để hoạt động tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Còn các tàu khách lớn hơn sẽ cập bến tại Mũi Đèn Đỏ hoặc Bến Nghé.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Thủ Thiêm 4, đơn vị tư vấn đã đề xuất 5 phương án xây dựng cho cây cầu này.
Cụ thể, có hai phương án xây cầu Thủ Thiêm 4  với tĩnh không cố định (khoảng cách từ mực nước cao nhất đến gầm cầu) là 10m và 15m, sử dụng kết cấu vòm. Chi phí đầu tư cho hai phương án này lần lượt khoảng 4.365 tỷ đồng và 4.840 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dù phù hợp với quy hoạch, chiều cao của hai phương án này không đáp ứng được yêu cầu cho tàu lớn ra vào cảng Nhà Rồng - Khánh Hội.
Hai phương án tiếp theo được đưa ra bao gồm việc xây dựng cầu dây văng với tĩnh không cố định 45m hoặc xây hầm vượt sông Sài Gòn. Tổng mức đầu tư cho hai phương án này lần lượt là hơn 8.000 tỷ đồng và gần 9.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngoài kinh phí lớn, khả năng hoàn vốn cho nhà đầu tư thấp, hai phương án này cũng gặp khó khăn do ảnh hưởng đến quy hoạch của Khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng như quận 7.
Phương án cuối cùng là xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không khai thác bình thường 15m, nhưng nhịp chính có thể nâng lên 45m thông qua hai trụ tháp và hệ thống nâng. Tổng kinh phí cho phương án này dự kiến khoảng 6.030 tỷ đồng.
Đơn vị tư vấn đã kiến nghị lựa chọn một trong hai phương án: hoặc xây cầu với tĩnh không cố định 15m, hoặc phương án nâng hạ nhịp từ 15m lên 45m. Sau đó, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. HCM đã đề xuất với UBND TP. HCM phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 có thể nâng hạ nhịp để tàu lớn dễ dàng qua lại sông Sài Gòn.
Tuy nhiên, gần đây UBND TP. HCM đã gửi văn bản đến Bộ GTVT, cho biết sẽ lựa chọn phương án xây cầu Thủ Thiêm 4 với tĩnh không cố định 15m.
Phương án này đã gây ra nhiều tranh cãi, do tĩnh không 15m được cho là quá thấp.
Trong những năm gần đây, số lượng tàu khách quốc tế cỡ lớn đến TP. HCM đã tăng, nhưng không thể vào nội đô do vướng tĩnh không của cầu Phú Mỹ.
Cầu Phú Mỹ là cầu dây văng vượt sông Sài Gòn với tĩnh không 45m - cao nhất ở thành phố, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do đó, các tàu phải cập tạm ở cảng hàng hóa bên ngoài, gặp nhiều khó khăn trong việc phục vụ khách.
Theo lý giải của UBND TP. HCM, trên sông Sài Gòn hiện có các tàu nhà hàng cao 12m, với sức chở từ 120-1.000 khách, hoạt động phục vụ du lịch và ẩm thực. Phía thượng lưu cầu Thủ Thiêm 4, theo quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu (930ha), đã quy hoạch khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (quận 7) có 2 vị trí cảng thủy nội địa hành khách.
Phía hạ lưu cầu Thủ Thiêm 4, theo hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060, khu vực Mũi Đèn Đỏ (quận 7) đã được quy hoạch để tiếp nhận tàu khách quốc tế có tổng dung tích 60.000GT, và khu vực hạ lưu cảng Bến Nghé (quận 7) để tiếp nhận tàu khách quốc tế 30.000GT.
Như vậy, sau khi xây cầu Thủ Thiêm 4, các tàu khách và tàu nhà hàng cao dưới 15m có thể đi qua cầu để hoạt động tại cảng Nhà Rồng - Khánh Hội. Còn các tàu khách lớn hơn sẽ cập bến tại Mũi Đèn Đỏ hoặc Bến Nghé.
>> Thành phố đáng sống nhất Việt Nam chuẩn bị phá dỡ 3 chung cư