Bất động sản

TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất dự kiến ‘vươn lên’ là TP lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ với 2 sân bay, 3 bến cảng

Chi Chi 19/04/2025 22:29

Dự kiến sau sáp nhập, thành phố trực thuộc Trung ương này sẽ thêm nhiều lợi thế phát triển toàn diện kinh tế - xã hội.

Đà Nẵng từ thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương lớn nhất cả nước sau sáp nhập

Tại Hội nghị Trung ương 11, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất chủ trương tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo hai cấp gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu).

Theo định hướng này, cả nước sẽ còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, bao gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 11 địa phương giữ nguyên hiện trạng, 23 tỉnh, thành phố mới sẽ được hình thành trên cơ sở sáp nhập các đơn vị hiện có.

> > Bệnh viện từng trong ‘top 10 uy tín nhất Việt Nam’ sắp xây cơ sở mới 1.000 giường bệnh tại khu đô thị ‘nhà giàu’ của TP. HCM

TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất dự kiến ‘vươn lên’ là TP lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ với 2 sân bay, 3 bến cảng- Ảnh 1.
TP. Đà Nẵng dự kiến sáp nhập với tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Internet

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy, mà còn tái định hình không gian phát triển của nhiều đô thị lớn. Một số thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có thay đổi đáng kể về quy mô diện tích sau sáp nhập.

Trong đó, TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, lấy tên là TP. Đà Nẵng và đặt trung tâm chính trị - hành chính tại TP. Đà Nẵng. Sau sáp nhập, diện tích thành phố sẽ lên tới 11.859,6km2, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất cả nước.

Hiện tại, trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có diện tích nhỏ nhất với khoảng 1.285km2.

Không chỉ mở rộng về địa lý, TP. Đà Nẵng sau sáp nhập sẽ sở hữu đồng thời cả đường biên giới quốc tế và đường bờ biển dài. Cụ thể, thành phố sẽ tiếp giáp với Lào với đường biên giới dài khoảng 157km và sở hữu gần 200km đường bờ biển. Sự kết hợp giữa đô thị biển năng động Đà Nẵng với vùng đất giàu tiềm năng Quảng Nam sẽ tạo nên một không gian phát triển liên kết, toàn diện cả về hạ tầng, dịch vụ, công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao.

Hệ thống giao thông đồ sộ của TP. Đà Nẵng sau sáp nhập

Việc sáp nhập tỉnh Quảng Nam với TP. Đà Nẵng không chỉ là sự kiện hành chính mang tính lịch sử, mà còn mở ra một không gian phát triển mới với hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, quy mô hàng đầu khu vực miền Trung. Thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập sẽ sở hữu đồng thời hai sân bay quốc tế, ba cảng biển quốc tế cùng mạng lưới giao thông đường bộ kết nối rộng khắp, đóng vai trò đầu mối chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, thương mại và logistics của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

TP. Đà Nẵng mở rộng sẽ là địa phương hiếm hoi sở hữu 2 sân bay quốc tế chỉ cách nhau khoảng 90km. Trong đó, sân bay quốc tế Đà Nẵng là một trong 4 sân bay lớn nhất cả nước đang được nâng cấp với mục tiêu đến năm 2030 có thể phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 100.000 tấn hàng hóa mỗi năm, đạt tiêu chuẩn cấp 4E theo Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất dự kiến ‘vươn lên’ là TP lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ với 2 sân bay, 3 bến cảng- Ảnh 2.
Sân bay Đà Nẵng. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, sân bay quốc tế Chu Lai (huyện Núi Thành, Quảng Nam) với diện tích hơn 2.000ha hiện là sân bay lớn nhất miền Trung về mặt diện tích. Dự án đang được triển khai theo hướng trở thành sân bay cấp 4F, công suất đạt 10 triệu hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2030. Với lợi thế không gian rộng lớn, ít bị giới hạn bởi khu dân cư, Chu Lai được định hướng trở thành trung tâm logistics hàng không lớn của cả miền Trung.

Hệ thống cảng biển tại Đà Nẵng và Quảng Nam sau sáp nhập sẽ tạo nên một chuỗi logistics hoàn chỉnh từ biển vào đất liền. Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) hiện là cảng biển loại 1, vừa phục vụ vận tải hàng hóa, vừa là điểm đến của nhiều tàu du lịch quốc tế. Trong khi đó, cảng Liên Chiểu đang được đầu tư xây dựng với quy hoạch thành cảng tổng hợp quốc gia loại 1, có khả năng tiếp nhận tàu container 8.000 TEU, công suất dự kiến lên tới 50 triệu tấn hàng hóa mỗi năm vào năm 2050.

Ở phía Nam, cảng Chu Lai (Quảng Nam) là cửa ngõ quan trọng trong Khu kinh tế mở Chu Lai, kết nối trực tiếp với sân bay, ga đường sắt và các tuyến quốc lộ, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa công nghiệp và linh kiện ô tô.

Giao thông đường bộ là một thế mạnh đáng kể khác khi sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng. Thành phố sẽ được kết nối bởi các tuyến huyết mạch như cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 14, đường ven biển Võ Chí Công cùng hàng loạt tuyến trục dọc, trục ngang đang được nâng cấp và mở rộng. Tuyến Quốc lộ 14 kết nối từ Đà Nẵng qua các huyện phía Tây Quảng Nam, tiếp giáp Lào và vùng Tây Nguyên, mở ra hành lang kinh tế liên quốc gia.

Ngoài ra, hệ thống đường sắt Bắc - Nam đi qua địa phận sáp nhập cũng đóng vai trò vận chuyển hành khách và hàng hóa đường dài, bổ trợ cho giao thông đường bộ và hàng không.

Với sự kết hợp giữa hai trung tâm kinh tế lớn, một Đà Nẵng phát triển đô thị, dịch vụ và công nghệ và một Quảng Nam giàu tiềm năng công nghiệp, du lịch và logistics, việc sáp nhập sẽ tạo ra một đô thị đặc biệt với hạ tầng giao thông đồng bộ bậc nhất miền Trung. Hệ thống 2 sân bay, 3 cảng biển và mạng lưới đường bộ liên vùng không chỉ phục vụ nhu cầu nội tại, mà còn giúp Đà Nẵng mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên và vươn tầm khu vực.

> > Tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến có ‘siêu phường’ sau sáp nhập với 7 khu công nghiệp và 2 sân golf quy mô

Nếu sáp nhập, tỉnh miền Trung này sẽ có đường bờ biển 490km dài nhất Việt Nam

Tỉnh giàu nhất Việt Nam dự kiến có ‘siêu phường’ sau sáp nhập với 7 khu công nghiệp và 2 sân golf quy mô

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tp-truc-thuoc-trung-uong-nho-nhat-du-kien-vuon-len-la-tp-lon-nhat-viet-nam-sau-sap-nhap-so-huu-he-thong-giao-thong-do-so-voi-2-san-bay-3-ben-cang-202250418174937907.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất dự kiến ‘vươn lên’ là TP lớn nhất Việt Nam sau sáp nhập: Sở hữu hệ thống giao thông đồ sộ với 2 sân bay, 3 bến cảng
    POWERED BY ONECMS & INTECH