Trách nhiệm khi giao xe cho 'quái xế', lỗi đầu tiên thuộc về bố mẹ?
Nhiều ý kiến đồng quan điểm phải xem xét trách nhiệm của bố mẹ, người giao xe cho các trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển sau vụ nhóm "quái xế" tông xe chết cô gái ở Hà Nội.
Thời gian qua, công an các địa phương liên tục bắt giữ các nhóm "quái xế " điều khiển xe gây rối trật tự công cộng. Trong đó, nhiều trường hợp do cha mẹ giao xe máy cho con điều khiển rồi buông lỏng quản lý.
Mới đây nhất là vụ việc đau lòng xảy ra ngày 3/11, nhóm quái xế phóng xe tốc độ cao đã đâm cô gái đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư ở Hà Nội làm người này tử vong tại chỗ.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng 3, Cục CSGT) cho biết, thực tế có rất nhiều phụ huynh giao xe cho con em điều khiển khi đang ở lứa tuổi học sinh.
"Đáng buồn là một bộ phận cha mẹ, người giám hộ chưa quan tâm đến việc con em tham gia giao thông như thế nào, họ phó mặc cho xã hội, lực lượng chức năng quản lý", Đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Trao đổi với về vấn nạn này, ông Lê Kim Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về thực trạng bố mẹ giao xe máy cho trẻ chưa đủ điều kiện tham gia giao thông.
Tuy nhiên, căn cứ từ thực tiễn và kết quả kiểm tra cho thấy số lượng không nhỏ các em học sinh sử dụng phương tiện tham gia giao thông chưa đủ điều kiện, việc này xảy ra ở tất cả tỉnh thành trên cả nước. Cụ thể, các em có thể chưa đủ tuổi sử dụng phương tiện cho phép hoặc chưa có giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện.
Lỗi đầu tiên thuộc về bố mẹ
Cũng theo ông Thành, thống kê trên cả nước có xấp xỉ 25 triệu học sinh, sinh viên. Bên cạnh các em đủ điều kiện tham gia giao thông, còn lượng lớn trường hợp phải có người đưa đón. Như vậy, tính thêm cả những người đưa đón, con số này ước tính sẽ khoảng 40 triệu người, tương đương khoảng 40% dân số nước ta.
“Nếu tất cả nhóm này, đặc biệt là những người có trách nhiệm đưa đón, giám hộ trẻ cùng nhau chung tay xây dựng văn hóa giao thông an toàn, tuân thủ các quy định pháp luật, tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và lứa tuổi học sinh, sinh viên được nâng cao đáng kể. Qua đó giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, hạn chế thấp nhất những mất mát đau thương”, ông Thành nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều độc giả cũng bày tỏ quan điểm trẻ chưa đủ tuổi điều khiển xe… nhưng vẫn được giao xe, lỗi thuộc về gia đình. Do đó, vấn đề trước tiên cần thay đổi cách nuôi dạy, chiều chuộng của chính các bậc phụ huynh.
Theo bạn đọc Chung Bùi, hiện nhiều bậc cha mẹ chỉ chú trọng cho con học văn hóa, kiến thức mà không chú tâm dạy con cách cư xử hàng ngày. Vì thế các cháu tự do theo bản năng, có những hành động bạo lực, gây nguy hiểm cho bản thân và người khác.
Có bạn đọc còn kể rằng, có cháu họ dù gia đình không khá giả nhưng nhất định không đi xe đạp thường, xe đạp điện cũng không mà đòi bằng được xe máy dù chưa có bằng lái.
“Cha mẹ vì chiều con cho bằng bạn bằng bè, nghĩ để con đi học thêm cho tiện, thế là đáp ứng nhu cầu con mà không hề biết con đang "trắng kiến thức, kỹ năng, điều kiện" điều khiển phương tiện. Như thế bố mẹ đã vô tình tạo điều kiện để con gây họa cho người đi đường”, bạn đọc này kết luận.
Bạn đọc Tale Minh thì đề xuất: “Cứ con còn tuổi vị thành niên mà vi phạm luật giao thông thì phạt cha mẹ đi tập huấn kiến thức, ngoài việc tăng mức phạt tiền thật nặng. Ngoài ra, nhà trường cũng cần tăng thời lượng tiết học về luật giao thông như một môn học bắt buộc để học sinh có kiến thức cơ bản ngay từ trường học chứ không phải chỉ khi thi bằng lái mới cần học”.
Liên quan đến vụ nhóm thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô lạng lách, đánh võng gây tai nạn chết người tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã yêu cầu Công an thành phố Hà Nội tập trung lực lượng, biện pháp điều tra, xác minh, khẩn trương xử lý nghiêm minh vụ việc nêu trên bảo đảm đúng người, đúng tội.
Bộ trưởng Công an lưu ý xử lý nghiêm cả đối với hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật, răn đe, phòng ngừa chung. Đồng thời, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp sớm đưa vụ việc ra xét xử.
>> Vụ 'quái xế' tông chết người: Bộ trưởng Công an chỉ đạo xử lý cả người giao xe 
CSGT Hà Nội hóa trang xử lý 'quái xế', phát hiện nhiều học sinh vi phạm 
Vụ 'quái xế' tông chết người: Bộ trưởng Công an chỉ đạo xử lý cả người giao xe