Trái phiếu bất ngờ bị bán tháo ồ ạt, Nhật-Trung ‘trong tầm ngắm’: Chuyện gì đã xảy ra?
Thông thường, trong thời kỳ bất ổn, các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu Kho bạc Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, đợt bán tháo lần này lại đi ngược xu hướng đó, cũng như đặt ra câu hỏi lớn: Ai đang bán trái phiếu Mỹ và vì sao?
Tuần qua, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ đã bất ngờ chứng kiến làn sóng bán tháo từ các nhà đầu tư. Diễn biến bất thường này càng khiến thị trường thêm chao đảo, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tung ra chính sách thuế đối ứng, nhưng sau đó đã phải tạm hoãn do áp lực quá lớn.
Chỉ trong vài phiên giao dịch, lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng vọt lên 4,592% hồi ngày 11/4 - mức cao nhất kể từ tháng 2. Lợi suất trái phiếu 30 năm cũng đạt đỉnh kể từ tháng 11/2023 vào giữa tuần trước. Dù lợi suất đã điều chỉnh nhẹ, mức tăng trong 5 ngày đến 11/4 vẫn lên tới 50 điểm cơ bản, theo dữ liệu từ LSEG.
Thông thường, trong thời kỳ bất ổn, các nhà đầu tư đổ tiền vào trái phiếu Kho bạc Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, đợt bán tháo lần này lại đi ngược xu hướng đó, đặt ra câu hỏi lớn: Ai đang bán trái phiếu Mỹ và vì sao?
Trung Quốc sẽ tự làm khó mình?
Là chủ nợ nước ngoài lớn thứ hai của Mỹ (sau Nhật Bản), Trung Quốc nắm giữ khoảng 760 tỷ USD trái phiếu Kho bạc. Tuy nhiên, theo ông Chen Zhao – Chiến lược gia trưởng toàn cầu tại Alpine Macro – Bắc Kinh có thể đang "vũ khí hóa" lượng nắm giữ này.
“Họ bán trái phiếu Mỹ và chuyển tiền sang đồng Euro hoặc trái phiếu Đức. Đó là điều chúng tôi đang chứng kiến trong vài tuần qua”, Zhao nhận định.
Thực tế, trái phiếu Chính phủ Đức tuần trước không bị cuốn vào làn sóng bán tháo như trái phiếu dài hạn của Mỹ. Ngược lại, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức còn giảm nhẹ, cho thấy nhà đầu tư đang chuyển hướng sang các tài sản an toàn khác ngoài Mỹ.
Dẫu vậy, không ít chuyên gia cảnh báo rằng việc bán tháo có thể khiến Trung Quốc chịu thiệt. “Nếu Trung Quốc đẩy mạnh bán trái phiếu, họ sẽ tự gây thiệt hại cho danh mục của mình”, ông Michael Pettis, chuyên gia tại Carnegie ở Bắc Kinh đánh giá.
Chuyên gia chiến lược tại Pepperstone Michael Brown cũng nhận định rằng việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Mỹ sẽ khiến dòng tiền chảy ngược về nước, từ đó tạo áp lực làm đồng nhân dân tệ tăng giá. Đây là điều đi ngược lại với mục tiêu của Bắc Kinh, vốn đang muốn giữ đồng tiền yếu để hỗ trợ xuất khẩu và kích thích nền kinh tế trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi các mức thuế mới từ Mỹ.

Nhật Bản - Tác nhân thầm lặng?
Trong khi dư luận hướng về Trung Quốc, một số chuyên gia lại chỉ ra Nhật Bản – chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ – mới là nhân tố chính.
Ông Garry Evans từ BCA Research nhấn mạnh, các công ty bảo hiểm nhân thọ Nhật Bản như Nippon Life mới là bên thực sự nắm giữ lượng lớn trái phiếu Mỹ. “Dù Chính phủ Nhật có tuyên bố không bán, thì điều đó không áp dụng với các công ty tư nhân. Nếu họ lo ngại về chính sách Mỹ và muốn cắt giảm rủi ro, Chính phủ không thể can thiệp”, Evans nói.
Ngoài ra, theo ông Prashant Newnaha từ TD Securities, các quỹ hưu trí châu Âu và Nhật Bản có thể cũng đang bán trái phiếu dài hạn của Mỹ để chuyển sang đầu tư vào thị trường nợ châu Âu.
Các quỹ đầu cơ và đội tự kiểm trái phiếu?
Đà bán tháo còn có thể bắt nguồn từ việc các quỹ đầu cơ buộc phải đóng các giao dịch 'basis trade' – một chiến lược trong đó họ vay tiền để mua trái phiếu và đồng thời bán hợp đồng tương lai liên quan, nhằm kiếm lời từ chênh lệch giá giữa thị trường giao ngay và thị trường phái sinh.
Bên cạnh đó, “đội tự kiểm trái phiếu” cũng nằm trong danh sách nghi vấn đã bán tháo trái phiếu. Đây là cách gọi những nhà đầu tư chuyên theo dõi chính sách tiền tệ và tài khóa, và thường bán ra trái phiếu Chính phủ nếu họ cho rằng các chính sách đó có thể gây ra lạm phát.
“Họ đã trở lại”, chuyên gia Ed Yardeni bình luận, cho rằng phản ứng của thị trường là lời cảnh tỉnh cho các chính sách "thiếu nhất quán" của ông Trump.
Dữ liệu chính thức về dòng vốn trái phiếu thường được công bố chậm – ví dụ, số liệu của tháng 4 phải đến tháng 6 mới có. Vì vậy, hiện chưa thể xác định rõ ai đang bán ra nhiều nhất. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là niềm tin của nhà đầu tư vào tài sản Mỹ đang dần suy giảm.
“Chính sách bất ổn và thiếu nhất quán đang làm suy giảm vị thế của trái phiếu Kho bạc Mỹ như một kênh trú ẩn an toàn”, ông Brown từ công ty Pepperstone nhận định.
Việc chính sách thuế quan liên tục thay đổi không chỉ khiến đồng USD – vốn thường mạnh lên trong thời kỳ bất ổn – trở nên yếu hơn, mà còn tiềm ẩn nguy cơ kích hoạt thêm một làn sóng bán tháo nữa, nếu niềm tin của thị trường tiếp tục bị xói mòn.
Theo CNBC
>> Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu với tốc độ không tưởng rồi đổ vào trái phiếu, chuyện gì đang xảy ra?