Vĩ mô

Trái phiếu doanh nghiệp: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng áp lực đáo hạn vẫn lớn

Khúc Văn 19/08/2024 - 11:59

Chuyên gia cho rằng một số doanh nghiệp hiện nay tồn tại như những zombie, không có khả năng trả nợ trái phiếu. Tuy vậy, để cho phá sản những doanh nghiệp này lại không đơn giản.

Giai đoạn khó khăn nhất đã qua

Theo TS Cấn Văn Lực - Kinh tế trưởng BIDV, hai nhóm ngành phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất là tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản.

Trái phiếu doanh nghiệp: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng áp lực đáo hạn vẫn lớn
Giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các tổ chức tín dụng có mức rủi ro khá thấp, nhưng đối với nhóm doanh nghiệp bất động sản, rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp ở mức độ cao hơn nhiều. Doanh nghiệp bất động sản chiếm đa số (khoảng 68%) trong lượng trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán đến nay.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ước tính có khoảng 139,77 nghìn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 58,8 nghìn tỉ đồng (chiếm 42%).

VIS Rating ước tính khoảng 27% trái phiếu đáo hạn có nguy cơ không trả nợ đúng hạn trong 12 tháng tới (trong đó gồm cả 65% trái phiếu đã chậm trả trước đó).

Dù vậy, ông Lực cũng nhìn nhận rằng câu chuyện đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể nói đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (từ tháng 6 – 8/2023), sau khi có Nghị định 08 cho phép đàm phán giãn, hoãn nợ.

Về cơ bản, 60% doanh nghiệp đã gia hạn được 2 năm (điểm rơi tháng 6/2025), doanh nghiệp chủ động mua lại trái phiếu theo điều kiện phát hành và bắt đầu phát hành trở lại giảm áp lực vốn. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên, doanh nghiệp sẵn sàng bán tài sản để trích ra một phần trả nợ. Do vậy, hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì khó khăn nhất đã qua.

“Ở Việt Nam, doanh nghiệp bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì đống nợ trái phiếu còn đó, câu chuyện giải quyết ra sao. Tuy nhiên, Nghị định 08 đã hết hiệu lực thì thực hiện Nghị định 65 có cho phép đàm phán, giãn, hoãn nợ không? Đây là điều cơ quan quản lý cần làm rõ”, ông Lực nói.

>> Việt Nam luôn có sức hút với các nhà đầu tư trên thế giới

Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ trái phiếu doanh nghiệp

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng nợ quá hạn là vấn đề lớn nhất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời kỳ 2024-2025.

“Việc hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu mà quan trọng nhất là tháo gỡ pháp lý bất động sản. Khi tháo gỡ được vấn đề này thì việc xử lý nợ quá hạn rất dễ”, ông Thuân kiến nghị.

Trái phiếu doanh nghiệp: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng áp lực đáo hạn vẫn lớn
Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, trên thực tế, một số doanh nghiệp hiện nay tồn tại như những “zombie”, không có khả năng trả nợ trái phiếu. Theo TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia kinh tế, giải pháp khả thi nhất với các trường hợp này là cho phép phá sản.

"Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ gốc/lãi trái phiếu đúng hạn làm mất niềm tin nhà đầu tư, tôi cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại", ông Nghĩa đề xuất.

Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho rằng việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng. Mọi sự phát triển dựa trên quy luật đào thải, nếu không sẽ như "cơ thể ăn không tiêu sẽ có rất nhiều bệnh".

“Nghị định 08 cho phép đàm phán gia hạn nhưng các nhà đầu tư cá nhân không có năng lực đánh giá về trái phiếu phát hành nên khi doanh nghiệp đặt ra yêu cầu gia hạn, nhà đầu tư cá nhân rơi vào tình trạng hoảng, buộc phải chấp nhận đàm phán gia hạn. Mặt khác, hiện chưa có câu trả lời cho câu hỏi "nếu không chấp nhận thì phải kiện doanh nghiệp kiểu gì?". Nếu cứ gia hạn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì tình hình có thể còn tệ hơn nữa”, ông Quỳnh thẳng thắn.

Theo ông Quỳnh, trong cuộc khủng hoảng 2008-2011, khi Lehman Brothers phá sản, rất nhiều nhà đầu tư mini bonds của tổ chức này bị mất tiền, trong có nhà đầu tư ở Hong Kong (Trung Quốc).

Nhà đầu tư cá nhân Hong Kong lúc đó cũng đổ lỗi cho chính quyền thiếu trách nhiệm - cho phép bán sản phẩm mà chính chính quyền cũng không hiểu, cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng xếp hạng sai.

Sau đó, Hong Kong mới đưa ra một công cụ bắt buộc trong quá trình chào bán phải có là danh sách liệt kê toàn bộ rủi ro đối với sản phẩm tài chính, yêu cầu nhà đầu tư mua phải đọc và ký, chấp nhận hoàn toàn rủi ro liên quan.

“Thực tế, không có sản phẩm tài chính nào không có rủi ro, chỉ có ít hay nhiều. Mỗi nhà đầu tư dựa theo kiến thức của mình cần xác lập khẩu vị rủi ro riêng.

Do vậy, việc xây dựng cơ chế để đảm bảo tất cả nhà đầu tư có kiến thức chuyên nghiệp khó. Cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách có mục tiêu, phù hợp bối cảnh, có khuôn khổ bảo vệ lợi ích nhà đầu tư cá nhân một cách hợp lý chứ không bảo vệ hoàn toàn”, ông Quỳnh nêu.

>>Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) có hơn 2.000 tỷ đồng đi gửi ngân hàng

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt hơn 3.700 tỷ đồng/phiên

Áp lực đáo hạn đã hạ nhiệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ấm trở lại

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-giai-doan-kho-khan-nhat-da-qua-nhung-ap-luc-dao-han-van-lon-245754.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Trái phiếu doanh nghiệp: Giai đoạn khó khăn nhất đã qua nhưng áp lực đáo hạn vẫn lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH