Từ khoá "âm thầm bỏ cuộc" hay "làm việc cầm chừng" đã thu hút tới hơn 3,5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. Các video về chủ đề này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi.
Thời gian gần đây, "âm thầm nghỉ việc" đã nổi lên như một xu hướng nhờ nền tảng TikTok. Trào lưu tiêu cực này về cơ bản không hướng tới việc thực sự từ bỏ mà chỉ là để được làm lượng công việc ít nhất có thể.
Hoặc có thể hiểu theo một cách khác là khi bạn không muốn làm những công việc không có trong hợp đồng. Bạn nhận ra không việc gì phải quan tâm tới một công việc nơi mà không ai quan tâm tới quyền lợi của bạn, là khi bạn từ chối gánh còng lưng việc của 2 - 3 người một lúc.
Dù mỗi người có một định nghĩa nhưng từ khoá "âm thầm bỏ cuộc" (Quiet Quitting) hoặc "làm việc cầm chừng" đã thu hút tới hơn 3,5 triệu lượt xem. Các video về chủ đề này vẫn đang là chủ đề gây tranh cãi trong giới trẻ.
Khi nhân viên "bỏ cuộc"
"Làm việc cầm chừng" có thể hiểu là một hiện tượng mà thay vì cống hiến 120% sức lực thì người đi làm chỉ dừng ở mức 90%, vừa đủ để hoàn thành chứ không phải cố gắng quá. Nhiều thông tin, bình luận cho rằng, đây là một kiểu làm việc có phần lười biếng mà họ gán với cái mác người trẻ hay Gen Z.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, cách gán mác này thật bất công. Dù là Gen Z, Gen X hay Gen gì thì khi bị "dí" thêm việc, bị quá tải, họ cũng đều có quyền nghỉ ngơi, cân bằng cuộc sống một chút. Điều mà các công ty lo ngại là khi xu hướng đó lan rộng ra và thậm chí ăn sâu bén rễ, trở thành một cách sống, người ta sẽ mất động lực và triền miên rơi vào trạng thái muốn bỏ cuộc.
Làm việc một cách hời hợt, không tìm thấy cảm hứng. Luôn trong tâm thế đi ngược lại với yêu cầu của công việc và cấp trên. Đây là cảm giác thường trực của khá nhiều người lao động trẻ hiện nay và không chỉ ở riêng quốc gia nào.
Theo Giáo sư Alfred Wu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, những nhân viên này cảm thấy không có động lực phấn đấu. Họ "đối phó" bằng cách thu hẹp hết mức các hoạt động xã hội, kinh tế. Thậm chí, họ luôn cảm thấy muốn nói "không" với cấp trên và họ từ chối hợp tác.
Nguyên nhân của sự tiêu cực này không nhất thiết đến từ chính người lao động. Tờ CNA của Singapore bình luận, thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay đóng vai trò lớn trong việc khiến người lao động cảm thấy mất nhuệ khí khi lương thấp, chi phí sinh hoạt cao, việc tự mua nhà mua xe gần như là không thể. Và cuối cùng, 2 năm COVID-19 buộc chúng ta phải giãn cách, làm việc từ xa, khiến người lao động gần như thay đổi hoàn toàn tư duy về việc có nhất thiết cứ phải đến cơ quan ngồi từ sáng đến tối hay không? Một số quốc gia thậm chí ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp lên tới 2 chữ số. Do đó, thái độ của nhiều người trẻ sẽ là: "Tại sao phải cố gắng?".
Ggiờ đây, người trẻ đang phải trải qua một giai đoạn kinh tế nhạy cảm có thể khiến một bộ phận lao động cảm thấy không có sức bật, mất phương hướng. Và "làm việc cầm chừng" chính là cách để họ phản ứng lại với những khó khăn này.
Và những hệ lụy kéo dài
Theo Brad Polumbo - nhân viên chính sách tại Quỹ Giáo dục Kinh tế nhận định, ở hoàn cảnh này, âm thầm nghỉ việc là suy nghĩ xấu xa và nó chỉ khiến cho người trẻ ngày càng kém đi.
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, số lượng việc làm tuy đang còn nhiều nhưng sẽ sớm bị lấp đầy. Khi số lượng lao động đã đủ và dần thừa ra, những người công khai chia sẻ về âm thầm nghỉ việc sẽ là đối tượng bị đào thải đầu tiên.
“Họ có thể tự hào khoe khoang mình đã làm ít ra sao và chểnh mảng như thế nào trên mạng xã hội nhưng đó cũng sẽ là cơ sở khiến họ mất đi việc làm trong tương lai”, ông cho biết.
Polumbo cũng chỉ ra rằng không chỉ có nguy cơ mất việc làm, những người này còn đang ngầm phá hoại chính triển vọng về tài chính và nghề nghiệp trong lâu dài của mình.
“Bạn sẽ không có cơ hội thăng tiến nếu chỉ làm lượng công việc tối thiểu. Khi cơ hội ở công ty được mở ra, cấp trên rõ ràng sẽ chỉ nâng đỡ cho nhân viên làm việc chăm chỉ, tận tụy và thực sự tích cực chứ không phải người luôn làm lượng việc ít nhất có thể”, ông chia sẻ.
Theo Econ 101, lý thuyết về kinh tế học cổ điển, năng suất của người lao động sẽ phản ánh rõ rệt trong mức thu nhập dài hạn họ nhận được.
Điều này là do trong một thị trường đầy tính cạnh tranh, khi nhân viên nỗ lực tạo ra nhiều giá trị họ sẽ nhận lại khoản thu xứng đáng từ người quản lý. Nếu không trả công phù hợp, họ có thể nghỉ việc và tới làm ở những công ty có chính sách tốt hơn.
Đối với những người có năng lực, nhiều công ty sẵn sàng mời chào các vị trí cao và mức lương hậu hĩnh hơn để thuê họ về làm việc. Chỉ cần là người có khả năng đem lại nhiều giá trị, các doanh nghiệp sẽ không ngần ngại trả giá. Đây cũng là lý do mọi người nên cố gắng để vươn xa.
Khi gen Z khởi nghiệp: Muốn thành công thì không sợ sai