Triệu phú tự thân chỉ ra khoản chi mà 90% chúng ta đang lãng phí, nên hành động sớm để tránh 'ném tiền qua cửa sổ'
Theo Ramit Sethi, ăn uống là khoản chi tiêu dễ bị bỏ qua nhưng lại ngốn một phần không nhỏ trong ngân sách của nhiều gia đình.
Trong hàng triệu gia đình trên khắp thế giới, những cuộc tranh cãi về tiền bạc vẫn diễn ra mỗi ngày. Một người lo lắng về tài chính , trong khi người kia lại cố tránh né chủ đề này.
Một người tính toán từng khoản chi, còn người kia lại tiêu tiền theo ý thích. Việc né tránh các cuộc thảo luận về tiền bạc vô tình khiến tài chính trở thành rào cản trong mối quan hệ.
Ramit Sethi, người dẫn chương trình “I Will Teach You to Be Rich” trên Netflix và tác giả của cuốn sách cùng tên, đã dành hơn 20 năm để chia sẻ những góc nhìn kết hợp giữa tài chính và tâm lý học với hàng triệu độc giả.
Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, người đàn ông 42 tuổi hiện đã trở thành triệu phú  tự thân với khối tài sản ước tính 25 triệu USD (khoảng 638 tỷ đồng).
Cuốn sách mới nhất của anh, “Money for Couples”, giới thiệu chương trình 10 bước giúp các cặp đôi xây dựng tầm nhìn chung về tiền bạc, ngay cả khi quan điểm chi tiêu của họ hoàn toàn khác nhau.

Một trong những yếu tố quan trọng trong chương trình này là phân tích thói quen chi tiêu của cả hai. Theo Sethi, đối với 90% số người mà anh từng tư vấn, ăn uống – dù là ăn ngoài hay đặt đồ ăn về – chính là khoản chi lớn nhất có thể cắt giảm và tái phân bổ vào những mục tiêu quan trọng hơn.
Vì sao tiền ăn uống dễ thất thoát?
Có nhiều lý do khiến chi tiêu cho việc ăn uống thường vượt ngoài tầm kiểm soát. Thực phẩm không chỉ đơn thuần để đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn gắn liền với cảm xúc – ăn uống liên quan đến sự tiện lợi, bốc đồng, phần thưởng và nhiều yếu tố khác.
Việc theo dõi chi tiêu cho ăn uống trong một mối quan hệ cũng không hề đơn giản, Sethi cho hay. Một người có thể mua bữa trưa tại công ty, người kia đi ăn tối với bạn bè mỗi tháng một lần. Hoặc trên đường về nhà, họ tiện tay mua đồ ăn nhưng không dùng đúng thẻ tín dụng chung. Với những gia đình có con lớn, cha mẹ còn thường xuyên chuyển tiền để con đi ăn cùng bạn bè.
Tất cả tạo nên một mớ hỗn độn, và nếu không kiểm soát, số tiền chi cho ăn uống có thể vượt xa dự tính.
Làm thế nào để thay đổi?
Để theo dõi chi tiêu, Sethi lưu ý hãy sử dụng cùng một thẻ tín dụng chung cho tất cả các khoản chi liên quan đến ăn uống. Điều này giúp việc kiểm soát dễ dàng hơn.
Quan trọng không kém, hai người cần hỗ trợ và khuyến khích lẫn nhau, bởi thay đổi thói quen ăn uống không hề đơn giản.

Dưới đây là một số cách mà những người Sethi từng làm việc cùng đã áp dụng để giảm chi tiêu cho ăn uống và phân bổ lại tiền vào các mục tiêu quan trọng hơn.
Một người phụ nữ tên Mary chia sẻ: “Trong đại dịch, vợ chồng tôi tìm được một cửa hàng bán thịt giao tận nhà. Từ đó, chúng tôi đặt hàng theo tháng, trữ đông sẵn để có nguyên liệu nấu ăn cả tuần. Nhờ vậy, chúng tôi ăn tối ở nhà vào các ngày trong tuần và không cảm thấy có lỗi khi ăn ngoài vào cuối tuần”.
Một người khác là Rosana tiết lộ: “Trước đây, gia đình tôi ăn ngoài gần như cả tuần, chỉ nấu bữa sáng tại nhà. Bây giờ, chúng tôi nấu ăn vào thứ Tư và Chủ Nhật, tận dụng thức ăn thừa ít nhất một bữa, giúp tiết kiệm rất nhiều. Tôi dùng số tiền dư để trả bớt nợ thẻ tín dụng. Đúng là sau một ngày dài, nấu ăn và dọn dẹp khá mệt, nhưng nhìn số nợ giảm dần thực sự rất đáng giá”.
Mục tiêu không phải là cắt giảm mọi chi tiêu, mà là nhận diện và điều chỉnh những khoản chi tiêu "vô hình" đang gây thất thoát tài chính. Hãy bắt đầu bằng một cuộc trò chuyện thẳng thắn với đối phương: Cả 2 đang chi tiêu quá nhiều vào đâu, có thể cắt giảm khoản nào.
Sethi nhấn mạnh: “Càng cởi mở và trung thực về vấn đề tiền bạc, việc chi tiêu càng trở nên có ý nghĩa và hiệu quả hơn”.
Theo CNBC, Fortune