Techcombank (TCB) vừa trải qua năm 2022 tăng trưởng đầy ấn tượng, năm 2023 dự kiến là năm bùng nổ trong quá trình chuyển đổi.
Sáng nay 22/4/2023 Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán TCB) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
9.15', sau khi kiểm tra tư cách Cổ đông đến dự, Đại hội cổ đông công bố đủ điều kiện tiến hành. Đại hội cũng tán thành 100% thành viên ban kiểm phiếu, nội dung chương trình Đại hội cổ đông.
Tại ĐHCĐ, ban lãnh đạo ngân hàng đã báo cáo cổ đông kết quả kinh doanh năm 2022 với nhiều điểm nhấn ấn tượng. Đồng thời, ban lãnh đạo cũng xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Năm 2022 kết thúc với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng ấn tượng
- Lợi nhuận trước thuế 25.568 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2021 – đây cũng là năm thứ 2 liên tiếp Techcombank cán ngưỡng tỷ đô về lợi nhuận.
- Tổng huy động từ khách hàng đạt 374.630 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 8.500 tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ. Trong đó tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức 0,76% - nằm trong nhóm thấp nhất của ngành ngân hàng.
- Tổng tài sản gia tăng nhanh chóng, vượt 699.000 tỷ đồng, tăng 22,9% so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt trên 113.400 tỷ đồng - thuộc TOP 5 ngân hàng có vốn chủ sở hữu vượt 100.000 tỷ, và thuộc TOP 3 ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất hệ thống.
- Tổng dư nợ tín dụng của Techcombank đến 31/12/2022 đạt trên 444.600 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2021. Tỷ lệ an toàn vốn giữ ở mức 15,2%.
- Techcombank kết thúc năm 2022 với vị thế dẫn đầu về giá trị thanh toán trên tất cả các loại thẻ chính, thu phí dịch vụ thẻ trong năm đạt 1.980 tỷ đồng.
Techcombank dự kiến dùng lợi nhuận đạt được năm 2022 và lợi nhuận còn lại các năm trước sẽ trích quỹ dự phòng tài chính hơn 1.790 tỷ đồng; dùng 32.675 tỷ đồng trích quỹ dự phòng bổ sung vốn điều lệ và 38 tỷ đồng trích quỹ phúc lợi. Số còn lại là lợi nhuận có thể phân phối còn 23.538 tỷ đồng.
Căn cứ kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022, HĐQT Techcombank trình phương án duy trì lợi nhuận dưới hình thức không chia cổ tức cho cổ đông nhằm bố sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Điểm đáng chú ý khác trong năm 2022 được ban lãnh đạo Techcombank nhấn mạnh là năng lực dữ liệu. Năng lực này giúp ngân hàng theo dõi hiệu suất một cách minh bạch và hiệu quả hơn. Dữ liệu và các phân tích giúp ngân hàng đào sâu vào nhiều lớp theo nhiều chiều với các báo cáo trực quan theo dõi các hoạt động hàng ngày, tiền gửi, lưu lượng tiền vào ra của từng nhóm khách hàng. Hiện Techcombank đã hoàn thiện kho tài sản dữ liệu bao gồm 1.600 thuật ngữ kinh doanh, 3.400 bảng dữ liệu, trên 26.400 cột dữ liệu và các hệ thống nguồn kèm tuyến dữ liệu...
Mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của Chứng khoán Kỹ Thương TCBS
HĐQT cũng trình Đại hội cổ đông thông qua việc mua cổ phiếu chào bán riêng lẻ của CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS). Trước đó, tháng 12/2022 Đại hội đồng cổ đông của Techcombank đã thông qua kế hoạch mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ TCBS. Tuy vậy do lúc đó TCBS đã nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu cho CBNV lên Ủy ban chứng khoán Nhà nước và đã được thụ lý hồ sơ. Trong khi đó theo quy định, các đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 06 tháng. Do vậy việc phát hành riêng lẻ cho Techcombank chưa thực hiện được, phải lùi sang năm 2023.
Theo báo cáo, tại ngày 31/12/2022 TCBS có vốn điều lệ hơn 1.126 tỷ đồng, trong đó Techcombank sở hữu 88,8% tương ứng 99.999.990 cổ phần.
Techcombank cho rằng trong 5 năm qua TCBS đã trở thành công ty chứng khoán hàng đầu với tỷ lệ sinh lời luôn giữ được mức cao. Tuy nhiên khả năng phát triển mở rộng kinh doanh của công ty luôn bị giới hạn bởi vốn chủ sở hữu. Ngoài ra công ty cũng đang dựa vào nguồn vốn vay ngắn hạn của các ngân hàng để bổ sung vốn kinh doanh.
Với mục tiêu giúp TCBS phát triển mạnh mẽ hơn, để cùng phối hợp với Techcombank cung cấp dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng về phát hành và đầu tư trái phiếu, quản lý gia sản, TCBS có kế hoạch tăng vốn từ việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho TCB với số tiền tối đa gần 10.242 tỷ đồng, với giá mỗi cổ phần là 97.542 đồn theo giá trị sổ sách của TCBS.
Do vậy Techcombank trình phương án mua cổ phần TCBS nhằm mục tiêu giúp TCBS duy trì vị thế dẫn đầu của công ty trong các mảng kinh doanh cốt lõi gồm cổ phiếu, đầu tư và quản lý gia sản…
Theo phương án, TCBS sẽ phát hành riêng lẻ 105 triệu cổ phiếu chào bán cho Techcombank, nhằm tăng vốn điều lệ lên 2.176 tỷ đồng (vốn điều lệ dự kiến tăng thêm này chưa tính hơn 853 tỷ đồng TCBS đã tăng thêm do phát hành ESOP vàp ngày 7/2/2023 vừa qua.
Phát hành cổ phiếu ESOP
HĐQT Techcombank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 nhằm thu hút, khuyến khích và giữ chân CBNV giỏi, có năng lực làm việc, tiếp tục cống hiến lâu dài cho Techcombank.
Cụ thể, Techcombank dự kiến phát hành hơn 5,27 triệu cổ phiếu ESOP, tỷ lệ phát hành 0,1499%. Giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến thu về hơn 52,7 tỷ đồng. Sau phát hành vốn điều lệ Techcombank tăng lên trên 35.225 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt phát hành ESOP sẽ được bổ sung vốn hoạt động cho ngân hàng.
Một điểm thú vị khác là HĐQT, BKS của Techcombank đề xuất không nhận thù lao thành tích năm 2022 và năm 2023. Thù lao cố định năm 2022 là 35,3 tỷ đồng còn 2023 là 38,8 tỷ đồng.
Kế hoạch kinh doanh năm 2023: Mục tiêu dư nợ tín dụng tăng ít nhất 15%
Đại hội cũng nghe trình bày về những chỉ tiêu quan trọng trong năm 2023, trong đó mục tiêu tăng dư nợ tín dụng lên 15% hoặc cao hơn theo tiêu chí được NHNN cấp, ước đạt 511.297 tỷ đồng. Trong đó Techcombank dự kiến sẽ giảm dư nợ nhóm 3-5, duy trì mức thấp hơn 1,5%. Techcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế năm 2023 giảm 14% về mức 22.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Techcombank cho rằng ngân hàng đang ở thời điểm bùng nổ trong quá trình chuyển đổi. Trong 2 năm qua ngân hàng đã tập trung vào việc xây dựng nền tảng, liên tục nâng cấp năng lực dữ liệu, nhờ vậy Techcombank hiện đã sẵn sàng chuyển mình, đem lại giá trị khách hàng độc đáo và khác biệt nhờ sức mạnh của 3 trụ cột kỹ thuật số, dữ liệu và nhân tài.
Techcombank cũng cho biết, để tiếp cận và phục vụ khách hàng, ngân hàng sẽ tiếp tục tiếp cận theo từng phân khúc và tiểu phân khúc khách hàng, qua đó xây dựng định vị giá trị cụ thể, gắn kết hơn với khách hàng. Techcombank cho biết chương trình quản lý gia sản với các sản phẩm cho khách hàng có thu nhập cao và rất cao đang được xây dựng chuyên biệt cho 2 nhóm khách hàng thông qua chương trình Techcombank Private và Tecchcombank Priority bên cạnh chương trình Inspire dành cho khách hàng thế hệ trẻ đã được triển khai năm 2022.
Thảo luận tại ĐHCĐ:
Cổ đông: Đề nghị ngân hàng Techcombank xem lại việc đầu tư thêm vào công ty chứng khoán, kỳ vọng lợi nhuận như thế nào khi thị trường chứng khoán ảm đạm và có nhiều yếu tố không đoán trước được?
Đề nghị lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá về tình hình trái phiếu doanh nghiệp, tình hình trái phiếu của Techcombank?
Giá cổ phiếu TCB đã hấp dẫn chưa? Tại sao TCB không mua cổ phiếu quỹ để hỗ trợ giá?
Mô hình kinh doanh của Techcombank có chủ trương thay đổi không đặc biệt là chủ trương tập trung bất động sản khi lĩnh vực này đang gặp khó?
Kế hoạch kinh doanh 2023 có tham vọng quá không khi kinh tế đang khó khăn?
ROA, ROE của ngân hàng rất tốt, vì sao ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng?
Hệ thống dữ liệu là một trong những điểm nhấn của Techcombank nhưng tôi nhận thấy khá nhiều sản phẩm của công ty đang chưa thích ứng với thiết bị công nghệ đời thấp. Ngân hàng có bị mất tệp khách hàng tiềm năng vì điều này không?
Dự kiến kết quả kinh doanh quý 1/2023 thế nào?
Ban lãnh đạo Techcombank trả lời:
Về việc mua thêm TCBS, ngân hàng chắc chắn sẽ làm theo quy định của pháp luật dưới sự giám sát của cả NHNN và UBCKNN nên cổ đông yên tâm về luật.
Về app của Techcombank và TCBS có nhiều sản phẩm không tương thích với thiết bị điện thoại đời thấp, chúng tôi xin ghi nhận ý kiến cổ đông. Từ trước đến nay, Techcombank luôn chú trọng ứng dụng công nghệ nên hiệu quả kinh doanh rất cao. Chúng tôi ghi nhận ý kiến cổ đông và cũng mong muốn xây thêm các sản phẩm để tương thích đời thấp nhưng có thể sẽ khó lòng đáp ứng được những sản phẩm mới như quản lý gia sản...nên chúng tôi sẽ tính toán thêm.
Về mảng bất động sản, Techcombank cho vay cá nhân nhiều, rủi ro không lớn. Nếu nói về khó khăn thì phải nói là mảng nào bây giờ cũng khó khăn. Cho vay ô tô cũng khó, cho vay sắt thép xi măng cũng khó... chứ không phải chỉ bất động sản khó. Chúng ta phải nhìn nhận việc cho vay để phát triển nền kinh tế là mục tiêu và cái gì đóng góp cho công cuộc này thì Techcombank cho vay.
Còn về gỡ khó, chúng ta nhìn thấy rất nhiều nỗ lực gỡ khó của Chính phủ cho bất động sản và nhiều hạng mục khác.
Quan trọng nhất là hiệu quả và Techcombank đang cho vay bất động sản với hiệu quả cao nên cổ đông có thể yên tâm.
Dù Techcombank tương đối thận trọng trong kế hoạch kinh doanh nhưng kết quả kinh doanh quý 1/2023 vượt kế hoạch quý. Kết quả kinh doanh quý 1/2023 sẽ sớm được chúng tôi công bố vào vài ngày tới.
Trong giai đoạn khó khăn như thế này mà Techcombank vẫn đầu tư mạnh vào công nghệ. Tôi tin rằng niềm tin đầu tư của nhà đầu tư, người tiêu dùng sẽ quay trở lại. Với nỗ lực lấy khách hàng làm trọng tâm, Techcombank tin rằng những đầu tư của ngân hàng sẽ mang lại giá trị cho cả khách hàng và cổ đông.
Về việc chia cổ tức bằng tiền mặt, quan trọng nhất là làm thế nào bảo vệ tốt nhất quyền lợi cổ đông. Có thể năm nay là năm cuối cùng.
Về câu hỏi của cổ đông nên mua cổ phiếu TCB bây giờ hay chưa? Cổ phiếu TCB đã đủ hấp dẫn chưa thì tôi rất khó trả lời vì tôi không biết đầu tư ngắn hạn. Về dài hạn, tôi tin rằng giá trị Techcombank sẽ gấp 5, gấp 10 lần bây giờ trong 5 năm tới chứ không phải giá trị như bây giờ. Tôi thiên về đầu tư dài hạn và tôi nhìn vào giá trị tương lai của Techcombank nên chia sẻ với nhà đầu tư góc nhìn như thế.
Techcombank: Phó Tổng Giám đốc muốn bán 600.000 cổ phiếu, ước thu về hàng chục tỷ đồng 
100 cổ đông góp cho CTCK Top 1 thị trường hơn 18.600 tỷ đồng?