Trung Quốc công bố kế hoạch cải cách kinh tế
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định an ninh quốc gia dù đóng vai trò lớn, nhưng kinh tế vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Cuối tuần qua, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã công bố kế hoạch chi tiết cho sự phát triển lâu dài, đưa ra những tín hiệu toàn diện nhất về kế hoạch cải cách đất nước của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm đối phó với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên đà suy giảm.
Tài liệu này bao gồm các quyết định được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3, bao gồm 15 phần và 60 mục.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc  hôm thứ Sáu cho biết các nhà lãnh đạo đảng đã vạch ra hơn 300 sáng kiến cải cách. Tuy nhiên, thông cáo ban đầu, với rất ít thông tin chi tiết, đã vấp phải phản ứng thờ ơ từ các nhà đầu tư, khi chỉ số chứng khoán chuẩn của Hồng Kông giảm vào thứ Sáu.
Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến 4,7% trong quý II và các nhà kinh tế đã kêu gọi các biện pháp để kích thích nhu cầu tiêu dùng đang mờ nhạt. Một phần do nhu cầu không đủ, động lực xuất khẩu của các công ty Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng thương mại với Mỹ và Liên minh châu Âu, cùng nhiều nước khác, gây ra các mức thuế mới.
Các nhà đầu tư và phân tích sẽ nghiền ngẫm tài liệu mới được công bố khi họ cân nhắc cách chính quyền Bắc Kinh dự định thực hiện kế hoạch của mình.
Tài liệu bắt đầu với cái nhìn tổng quan về tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách, đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2029 - kỷ niệm 80 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Sau đó, nó đưa ra các định hướng chính sách trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ phá bỏ các rào cản cản trở cạnh tranh và thúc đẩy nghiên cứu về các công nghệ chủ chốt đến giải quyết các rủi ro nợ tiềm ẩn và thúc đẩy toàn cầu hóa đồng nhân dân tệ. Các chính sách nhằm giải quyết tình trạng dân số suy giảm, chẳng hạn như cải thiện các biện pháp nghỉ thai sản, trợ cấp sinh con và tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em, cũng được đề cập.
Về thị trường bất động sản, nơi giá cả giảm là lực cản lớn đối với tâm lý người tiêu dùng, tài liệu chỉ ra sự cần thiết phải có một hệ thống nhà ở mới và một mô hình mới để phát triển bất động sản.
Một ưu tiên khác là tăng cường an ninh quốc gia, bao gồm cải thiện cơ chế chống lại các lệnh trừng phạt, bảo vệ lợi ích hàng hải và nâng cấp quân đội. Phần cuối cùng nhấn mạnh đến việc loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng trong đảng và tăng cường sự lãnh đạo của đảng.
Trong phần giải thích được đưa ra cùng với tài liệu quyết định, ông Tập chỉ ra “sự mất cân bằng và bất cập” là những trở ngại chính để đạt được mục tiêu “phát triển chất lượng cao” của Trung Quốc. Sau đó, ông liệt kê một loạt lĩnh vực cần cải thiện, chẳng hạn như mối quan hệ giữa chính phủ và thị trường, năng lực đổi mới và hệ thống công nghiệp.
Nhà lãnh đạo 71 tuổi thừa nhận đất nước phải đối mặt với những rủi ro và thách thức lớn trong việc theo đuổi các mục tiêu của mình.
“Đặc biệt ở thời điểm hiện tại, những thay đổi chưa từng có của thế giới đang gia tăng, xung đột và bất ổn cục bộ thường xuyên xảy ra, các vấn đề toàn cầu ngày càng gia tăng, sự đàn áp và ngăn chặn từ bên ngoài ngày càng leo thang”, ông Tập chỉ ra và cảnh báo các sự kiện “thiên nga đen” và “tê giác xám” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Ông Tập đang ám chỉ những rủi ro khó lường cũng như có thể xảy ra nhưng vẫn bị bỏ qua với những hậu quả nghiêm trọng.
Theo ông Tập, nền kinh tế vẫn là trọng tâm trong mục tiêu cải cách sâu rộng của Trung Quốc. Nhưng đồng thời, kế hoạch chi tiết đặt “việc duy trì an ninh quốc gia ở vị trí nổi bật hơn”.
>> Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nhiên liệu bất chấp rủi ro