Trung Quốc hỗ trợ nước cạnh Việt Nam làm đường sắt cao tốc hơn 1.000km gồm 167 cầu, 75 đường hầm, chỉ 5 năm là hoàn thành
Đường sắt cao tốc Lào - Trung chủ yếu do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công, tổng chi phí khoảng 5,9 tỷ USD, trong đó khoảng 40% là vốn do Chính phủ hai nước góp, 60% còn lại vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Đường sắt cao tốc Lào - Trung là một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc . Tuyến đường này kéo dài hơn 1.000km, bắt đầu từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và kết thúc tại thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Dự án chính thức khai trương vào ngày 3/12/2021 sau 5 năm thi công, đánh dấu bước tiến lớn trong hợp tác cơ sở hạ tầng giữa hai quốc gia. Chuyên gia kinh tế Burin Adulwattana của Ngân hàng Bangkok từng đánh giá tuyến đường sắt tốc độ cao Lào - Trung này có thể là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực kinh tế và cho rằng dự án sẽ mang lại lợi ích cho cả Bắc Kinh và Viêng Chăn.
Được biết, phần đường sắt chạy trên lãnh thổ Lào dài khoảng 414km, nối Vientiane với thị trấn biên giới Boten. Cả tuyến chủ yếu do Tập đoàn Đường sắt Quốc gia Trung Quốc (CNRG) thi công, tổng chi phí khoảng 5,9 tỷ USD, trong đó khoảng 40% là vốn do Chính phủ hai nước góp, 60% còn lại vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc.
Ngoài ra đây là dự án theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BOT), Chính phủ Lào sẽ tiếp nhận khai thác và nhận 100% lợi nhuận sau 50 năm.
Tuyến gồm 75 đường hầm, 167 cây cầu và 10 ga. Các đoàn tàu điện động lực phân tán (EMU) chạy trên tuyến đạt tốc độ 160km/h và có thể chở tới 720 người.
Tầm quan trọng chiến lược
Đường sắt cao tốc  Lào - Trung tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Lào và Trung Quốc. Hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí và thời gian vận chuyển, góp phần thúc đẩy thương mại song phương và khu vực.
Tính từ thời điểm chính thức vận hành đến tháng 9/2023, tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung đã vận chuyển hơn 20 triệu hành khách và hơn 25 triệu tấn hàng hóa từ Trung Quốc sang Lào và ngược lại.
Tuyến đường cũng thúc đẩy sự tăng trưởng trong ngành du lịch, đặc biệt là lượng khách Trung Quốc tăng mạnh.
Dự án không chỉ là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Lào - Trung mà còn là minh chứng cho tầm quan trọng của đầu tư hạ tầng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội.