Trung Quốc mua mỏ khoáng sản giá chỉ… 2 USD, đi ‘nước cờ cao tay’ ở châu Phi
Với việc đầu tư vào một mỏ đồng vừa phá sản, một công ty Trung Quốc đang tiếp đà xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nước này tại “lục địa đen” trong bối cảnh xu hướng năng lượng xanh đang “lên ngôi”.
Thu mua mỏ đồng giá rẻ như cho không
Các công ty Trung Quốc  đang đẩy mạnh việc mua lại các dự án khai thác đồng, coban và lithium lớn ở châu Phi, nhằm thống trị thị trường khoáng sản quan trọng khi Bắc Kinh định vị mình vào vị thế dẫn đầu quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu.
Ở một trong những khoản đầu tư gần đây nhất, công ty Trung Quốc JCHX Mining Management sắp hoàn tất thỏa thuận mua lại mỏ đồng Lubambe của Zambia.
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận này hiện đang chờ chính quyền Zambia chấp thuận. Công ty dịch vụ khai khoáng và thầu khoán niêm yết tại Thượng Hải nắm giữ 80% cổ phần trong mỏ hiện do công ty đầu tư EMR Capital có trụ sở tại Úc nắm giữ.
Chính phủ Zambia, thông qua tập đoàn đầu tư ZCCM Investments Holdings, sẽ nắm giữ 20% cổ phần còn lại của mỏ này, tọa lạc tại Chililabombwe, một thị trấn ở tỉnh Copperbelt của Zambia gần biên giới Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Trên thực tế, mỏ đồng Lubambe đã phá sản và nó sẽ được JCHX Mining mua lại với giá chỉ 2 USD, thông tin đó đã công bố vào đầu năm nay. Công ty Trung Quốc này sẽ thành lập một công ty dự án để mua cổ phần với giá 1 USD từ EMR Capital và trả thêm 1 USD nữa để mua khoản nợ 857 triệu USD của công ty.
Mỏ đồng Lubambe ở Zambia được doanh nghiệp Trung Quốc mua lại chỉ với giá... 2 USD |
Zambia là nước sản xuất đồng lớn thứ hai của châu Phi sau Cộng hòa Dân chủ Congo. Quốc gia nằm ở phía Nam của “lục địa đen”, rất giàu tài nguyên như vàng, đá quý, quặng niken, lưu huỳnh, hợp kim ferro, thỏi sắt, coban, thuốc lá và bột đậu nành, thu hút sự quan tâm của nhiều công ty Trung Quốc.
Theo JCHX, công ty đã có mặt tại Zambia hơn 2 thập kỷ qua trong lĩnh vực khai thác theo hợp đồng và đầu tư tài nguyên. Đây cũng là nhà cung cấp dịch vụ khai thác ngầm tại mỏ đồng Lubambe kể từ năm 2017.
>> Thông lệ thăm châu Phi đầu năm của các Ngoại trưởng Trung Quốc 
Bà Lauren Johnston, Phó Giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney, nhớ lại những “hạt giống” của EMR Capital từ các cuộc họp ở Bắc Kinh cách đây khoảng 15 năm, khi Giám đốc điều hành hiện tại của EMR là Jason Chang đang tư vấn cho một nhóm người Úc khác về việc thành lập một quỹ tài nguyên tại Úc bằng cách sử dụng khoản đầu tư của Trung Quốc.
Bà Johnston cho rằng sự hiểu biết trước đó về bối cảnh đầu tư khoáng sản của Trung Quốc và Úc có thể giúp đưa ra cách tiếp cận phòng ngừa đối với những căng thẳng địa chính trị.
Phó Giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Sydney cho biết: “Căng thẳng gia tăng trong chuỗi cung ứng năng lượng tái tạo giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đang đe dọa gia tăng các hạn chế và hoạt động giám sát mua lại trong chuỗi cung ứng khoáng sản liên quan đến năng lượng tái tạo”.
Bà Johnson nói thêm rằng điều này, cùng với tầm quan trọng của đồng đối với các lĩnh vực năng lượng mới nói chung, có thể giúp giải thích cả mối quan tâm của công ty Trung Quốc JCHX Mining khi đầu tư vào mỏ Lubambe của Zambia và lý do công ty EMR Capital của Melbourne muốn bán 80% cổ phần của mình.
Các công nhân phân loại khoáng sản tại Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi các công ty Trung Quốc đầu tư lớn vào khai thác mỏ, cũng như tại Zambia, Botswana, Zimbabwe và các quốc gia châu Phi khác. Ảnh: AFP |
Việc mua lại mỏ đồng ở Zambia diễn ra vài tháng sau khi công ty MMG, được hỗ trợ bởi tập đoàn khai khoáng Nhà nước China Minmetals Corporation, mua lại mỏ đồng Khoemacau của Botswana với giá khoảng 1,9 tỷ USD từ Cuprous Capital, một công ty tư nhân đã sản xuất đồng tại Khoemacau từ năm 2021.
Theo MMG, thỏa thuận này phù hợp với chiến lược của công ty nhằm xây dựng danh mục các mỏ chất lượng cao cung cấp các loại khoáng sản quan trọng nhất cho một thế giới phi carbon. Mỏ Khoemacau có trữ lượng đồng hơn 6 triệu tấn và quyền khai thác bao phủ diện tích hơn 4.000 km2 (1.544 dặm vuông).
>> ‘Ông trùm’ siêu thị Trung Quốc bồi thường hơn 30 tỷ đồng cho khách hàng vì bán mì bẩn 
Bên cạnh các tài sản mới ở Zambia và Botswana, các công ty Trung Quốc còn đầu tư khai thác mỏ rất lớn ở Cộng hòa Dân chủ Congo, quốc gia có trữ lượng khoáng sản lớn nhất thế giới, nhà sản xuất coban lớn nhất và là nguồn cung cấp đồng chính cho toàn cầu.
Zimbabwe cũng nổi lên như một nguồn cung cấp chính liti, một kim loại khác cần thiết để sản xuất pin lithium-ion. Ngoài ra, Trung Quốc đã đầu tư vào một số dự án quặng sắt ở Guinea, Cameroon, Sierra Leone và Algeria.
“Nước cờ cao tay” của Trung Quốc ở “lục địa đen”
Theo một nghiên cứu gần đây của tổ chức tư vấn Carnegie Endowment for International Peace có trụ sở tại thủ đô Washington D.C (Mỹ), “xuất khẩu khoáng sản của châu Phi sang Trung Quốc đang tăng nhanh chóng, đạt gần 50 tỷ USD vào năm 2021 từ mức 15 tỷ USD vào năm 2010”. Hơn nữa, báo cáo cho biết, các khoản đầu tư của Trung Quốc đang bắt đầu không chỉ khai thác quặng mà còn cả tinh chế và chế biến chúng tại châu Phi.
Một yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng ở châu Phi là nhu cầu về khoáng sản và kim loại mà các ngành công nghiệp của Trung Quốc cần, đặc biệt là những ngành liên quan đến năng lượng tái tạo và xe điện, theo Zainab Usman, Giám đốc Chương trình châu Phi của Quỹ Carnegie Endowment.
Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các mỏ khoáng sản châu Phi nhằm dẫn đầu cuộc cách mạng năng lượng xanh toàn cầu |
Bà Usman cho biết đà tăng trưởng của xuất khẩu khoáng sản của châu Phi sang Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào sự tăng trưởng liên tục của các ngành công nghiệp cần khoáng sản. Ví dụ, Trung Quốc hiện là nhà sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu xe điện lớn nhất thế giới trên toàn cầu.
Bà Usman cho biết: “Nếu ngành công nghiệp xe điện tiếp tục phát triển, thì chúng ta có thể mong đợi nhu cầu về khoáng sản và kim loại của châu Phi được sử dụng trong sản xuất pin xe điện cũng tăng theo, đặc biệt là coban, lithium và than chì”.
Nhưng bà cho biết quỹ đạo tăng trưởng không nhất thiết phải tuyến tính vì một số yếu tố khác có thể làm tình hình trở nên phức tạp.
“Căng thẳng địa chính trị gia tăng, với thông báo về thuế quan rộng rãi về việc nhập khẩu xe điện của Trung Quốc vào Mỹ và châu Âu có thể hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận các thị trường này của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc và do đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của ngành công nghiệp này, ít nhất là trong ngắn hạn, với những tác động lan tỏa đến nhu cầu của Trung Quốc đối với khoáng sản và kim loại đầu vào cho các phương tiện công nghệ di chuyển bằng điện này”, bà Usman cho biết.
Tuy nhiên, bà lưu ý rằng về lâu dài, việc thương mại hóa các loại pin xe điện (EV) mới hơn, chẳng hạn như nhiều loại pin natri-ion cần ít coban, đồng và lithium hơn, có thể gây ra hậu quả to lớn đối với hoạt động xuất khẩu khoáng sản của châu Phi sang Trung Quốc.
Christian-Geraud Neema, biên tập viên chuyên mục châu Phi tại Dự án China Global South và học giả không thường trú tại Carnegie Endowment, cho biết địa chính trị vẫn là yếu tố quan trọng đằng sau hoạt động mua lại các mỏ khoáng sản của Trung Quốc.
Neema cho biết: “Những khoáng sản này có mục đích sử dụng cho cả lĩnh vực kinh tế, công nghiệp và quốc phòng”. Đồng thời, Neema giải thích rằng sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc có thể đã tác động đến một số mặt hàng nhập khẩu, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu khoáng sản của Trung Quốc: “Khi bạn nhìn vào hồ sơ của tất cả các vụ mua lại này, chúng đều là khoáng sản quan trọng hoặc mang tính chiến lược đối với Trung Quốc”.
Neema cho biết một yếu tố địa chính trị khác là tích trữ. Trung Quốc đã làm như vậy đối với coban mặc dù họ sử dụng nhiều pin LFP (lithium iron phosphate) hơn pin NMC (lithium nickel manganese coban oxide hoặc pin lithium-ion) trong ngành công nghiệp xe điện của mình.
Tuy nhiên, ông Neeman cho biết Trung Quốc không chỉ tiếp tục mua mà còn sản xuất nhiều hơn, mặc dù giá cả đang giảm mạnh.
“Với điều đó, nó có thể duy trì giá thấp và tăng chi phí gia nhập cho những người chơi mới”, Neema nói. "Vì vậy, địa chính trị là một yếu tố quan trọng".
Yun Sun, đồng Giám đốc Chương trình Đông Á và Giám đốc Chương trình Trung Quốc của Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết: “Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do cạnh tranh giữa các cường quốc đã chứng minh cho Trung Quốc thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo nguồn cung khoáng sản quan trọng và các kim loại thiết yếu”.
Bà Sun cho biết nhiều thỏa thuận lớn giữa Trung Quốc và châu Phi kể từ năm ngoái đều thuộc loại này.
Mark Bohlund, nhà phân tích tín dụng cấp cao tại REDD Intelligence, cho biết Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu đồng trong phần lớn hai thập kỷ qua, chủ yếu là do nhu cầu về phụ kiện đồng trong các dự án phát triển bất động sản mới.
Nhưng trong khi các nhà chức trách đang tìm cách làm giảm tầm quan trọng của việc phát triển bất động sản trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế, ông Bohlund cho biết nhu cầu về đồng chỉ đơn giản là chuyển sang ngành công nghiệp khác.
Bohlund cho biết: “Nhu cầu đảm bảo nguồn cung đồng từ nước ngoài đã được thay thế bằng nhu cầu từ ngành xe điện và năng lượng tái tạo”.
“Hàm lượng quặng cao và trữ lượng tương đối chưa được khai thác khiến châu Phi trở thành triển vọng thú vị cho các khoản đầu tư vào đồng, trong khi vị thế yếu hơn của các công ty lâu năm cũng cho phép các công ty Trung Quốc dễ dàng nắm giữ cổ phần hơn”.
Theo South China Morning Post (SCMP)
>> Trung Quốc hào phóng ‘tặng’ dinh Tổng thống mới đồ sộ cho quốc đảo 300.000 dân