Trung Quốc mừng thầm khi tỷ phú Elon Musk sát cánh với ông Trump
Việc tỷ phú Elon Musk trở thành một trong những nhà tài trợ hàng đầu của ứng viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump có thể trở thành điều thuận lợi cho Trung Quốc nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới để trở lại Nhà Trắng.
Tỷ phú Elon Musk và cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động cử tri ở Butler, Pennsylvania, ngày 5/10. (Ảnh: NYT) |
Tỷ phú điều hành của Tesla và SpaceX đã quyên góp hơn 100 triệu USD để ủng hộ ông Trump, và cũng có rất nhiều lợi ích kinh tế ở Trung Quốc.
Tỷ phú Musk  cũng được hưởng nhiều ưu ái so với các nhà đầu tư nước ngoài khác, như Tesla được quyền sở hữu và kiểm soát hoàn toàn chi nhánh của họ ở Trung Quốc.
Hiện nay, một nửa số xe điện Tesla được sản xuất tại Trung Quốc. Quan điểm của tỷ phú Musk về một số vấn đề nhạy cảm nhất giữa Mỹ và Trung Quốc cũng rất tương đồng với quan điểm của Bắc Kinh.
Vị doanh nhân này từng phát biểu rằng đảo Đài Loan thực chất nên nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh và phản đối việc Mỹ đánh thuế với xe điện Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump dọa sẽ áp mức thuế lên tới 60% đối với tất cả hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc.
Tỷ phú Elon Musk đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, khi ông còn là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, người đã giúp Tesla mở nhà máy tại Trung Quốc. Nhà máy tại Trung Quốc của Tesla hiện là cơ sở có quy mô lớn nhất của công ty trên toàn cầu.
Tháng 4 năm nay, khi doanh thu của Tesla sụt giảm, tỷ phú Musk có chuyến thăm bất ngờ tới Trung Quốc để thuyết phục cơ quan chức năng nước này chấp thuận phần mềm trợ lái tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Ngay sau đó, những chiếc xe do Tesla sản xuất ở Trung Quốc đã được chấp thuận về mức độ bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư tại thị trường này.
"Tỷ phú Musk nịnh Trung Quốc và họ dành cho ông ấy sự đối xử đặc biệt. Trung Quốc chắc chắn sẽ sử dụng điều đó để tác động lên chính quyền Trump. Tỷ phú Musk cực kỳ ủng hộ Trung Quốc ", Derek Scissors, thành viên cấp cao tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, người từng làm việc tại Lầu Năm Góc, nhận định.
Trong các chuyến đi tới Trung Quốc, tỷ phú Musk thường xuyên được các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, như Thủ tướng Lý Cường và các bộ trưởng, tiếp đón. Ngay cả mẹ ông, bà Maye Musk, cũng được đối xử ưu ái ở đất nước này.
Ngoài việc trở thành nhà sản xuất ô tô quốc tế đầu tiên tại Trung Quốc không phải liên doanh với một hãng trong nước, trong khi những đối thủ như Volkswagen AG hay General Motors không được hưởng, Tesla còn được trao những đặc quyền khác.
Phụ thuộc lẫn nhau
Tháng trước, báo China Daily đưa tin Tesla có thể sắp trở thành một trong những công ty đầu tiên tham gia chương trình thí điểm cho phép các công ty nước ngoài vận hành hệ thống hạ tầng viễn thông của riêng họ, giúp công ty triển khai hệ thống trợ lái.
"Quan hệ Tesla - Trung Quốc là mối quan hệ 'phụ thuộc lẫn nhau', trong đó Tesla cần Trung Quốc vì quy mô sản xuất và sự phức tạp của chuỗi cung ứng, trong khi Trung Quốc hoan nghênh Tesla vì vị thế dẫn đầu về công nghệ của hãng", Kevin Xu, một nhà đầu tư công nghệ và là người sáng lập Interconnected Capital có trụ sở tại Mỹ, nhận xét.
"Tôi thấy tỷ phú Musk có thể trở thành người đối thoại chính giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều vấn đề công nghệ và thương mại trong chính quyền Trump 2.0. Tỷ phú Musk có thể sẽ thúc đẩy ông Trump thân thiện hơn với xe điện tại Mỹ”, ông Xu nói với Bloomberg.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thể hiện cởi mở với khả năng cho phép các hãng Trung Quốc sản xuất ô tô tại Mỹ, dù ông đe dọa áp thuế toàn diện đối với Trung Quốc.
Cựu tổng thống Mỹ cũng thể hiện sẵn sàng tiến tới thỏa thuận và bày tỏ ngưỡng mộ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. "Ông ấy kiểm soát 1,4 tỷ người bằng thiết quyền. Ý tôi là, ông ấy là một người thông minh, bất kể bạn có thích hay không”, ông Trump nói về nhà lãnh đạo Trung Quốc trong podcast gần đây với diễn viên hài Joe Rogan.
Những phát biểu của tỷ phú Musk về Trung Quốc khiến Bắc Kinh hài lòng. Năm 2021, sau khi ông nói rằng Chính phủ Trung Quốc "có thể có trách nhiệm hơn" với hạnh phúc của người dân so với Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khi đó khen vị tỷ phú Mỹ “nhận xét khách quan".
Một năm sau, tỷ phú Musk đăng bài trên tạp chí chính thức của Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, trong đó ông trình bày tầm nhìn về cách công nghệ có thể đảm bảo tương lai của nhân loại, tương đồng với các mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc.
Sau khi tiếp quản mạng xã hội Twitter và đổi tên thành X, tỷ phú Musk quyết định xóa tất cả nhãn "có quan hệ với nhà nước" khỏi các trang, trong đó có các kênh chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa Xã.
Tỷ phú Musk cũng thường xuyên nhắc đến các vấn đề địa - chính trị.
Năm 2022, ông khuyến nghị biến Đài Loan (Trung Quốc) thành "khu hành chính đặc biệt", phù hợp với tầm nhìn của Chủ tịch Tập Cận Bình về thống nhất hòn đảo này theo mô hình giống như hai đặc khu Hong Kong và Macau.
Năm ngoái, tỷ phú Musk nói rằng Bắc Kinh coi Đài Loan là "một phần không thể tách rời của Trung Quốc" giống như quần đảo Hawaii đối với Mỹ.
Ông Trump từng thể hiện quan điểm hoài nghi về các cam kết quốc phòng của Mỹ đối với Đài Bắc, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể bỏ mặc hòn đảo này nếu Bắc Kinh có hành động quân sự.
Năm ngoái, Bloomberg đưa tin các cuộc đàm phán giữa Đài Bắc và SpaceX về việc triển khai mạng internet vệ tinh Starlink đã thất bại, vì tỷ phú Musk khăng khăng đòi sở hữu 100% công ty, trong khi luật của hòn đảo không cho phép.
"Tôi không nghĩ ông Trump hay tỷ phú Musk quan tâm đến an ninh quốc gia hoặc định nghĩa nó theo cùng cách mà chính quyền hiện tại làm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, tôi cho rằng an ninh quốc gia được định nghĩa bởi bất kỳ ai thì thầm vào tai ông ấy", Kendra Schaefer, đối tác của hãng tư vấn Trivium China, nhận xét.
Ám ảnh về quyền bá chủ
Tuy nhiên, bất chấp thành công của Tesla tại Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn nghi ngờ SpaceX của tỷ phú Musk và mối quan hệ của ông với Lầu Năm Góc.
PLA Daily, cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc, từng cảnh báo về "sự bành trướng man rợ" của mạng vệ tinh Starlink, cho rằng mạng này có thể phục vụ Chính phủ Mỹ với sự "ám ảnh về quyền bá chủ”.
Theo Stephen Orlins, chủ tịch Ủy ban Quốc gia về quan hệ Mỹ - Trung, cho rằng khó có khả năng ông Trump hay Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nghe theo lời khuyên của tỷ phú Musk trong vấn đề Đài Loan (Trung Quốc).
"Các chính phủ đủ thông minh để biết lợi ích của những người kinh doanh là gì. Tôi không ngại khi một số người có lợi ích ở cả hai quốc gia. Điều đó có thể dẫn đến tương lai hòa bình hơn”, ông Orlins nói.
Ông cho rằng các công ty đa quốc gia có lợi ích lớn ở Trung Quốc có thể đóng vai trò xây dựng, miễn là họ không làm hại lợi ích của đất nước.
>>Bác đề nghị liên quan vụ kiện tặng tiền cho cử tri của tỷ phú Elon Musk 
Elon Musk gọi Cardi B là con rối 
Bác đề nghị liên quan vụ kiện tặng tiền cho cử tri của tỷ phú Elon Musk