Trung Quốc phát triển được cỗ máy siêu việt giá rẻ bằng 1/5 quốc tế, giải bài toán khiến kỹ sư Mỹ đau đầu suốt mấy chục năm
Thông thường, động cơ cho máy bay không người lái sử dụng trong quân sự rất đắt đỏ. Nhưng động cơ thế hệ mới của Trung Quốc có giá chỉ chưa đến 1/5 giá quốc tế.
Theo tờ South China Morning Post, những chiếc máy bay không người lái  thế hệ mới với tốc độ cao và có thể bay được quãng đường dài, sử dụng các động cơ giá rẻ của Trung Quốc đã bắt đầu được đưa vào phục vụ trong quân đội nước này.
Và, một trong những nhiệm vụ quan trọng của chúng là để thu hút Mỹ cũng như các quốc gia khác tham gia cuộc chạy đua vũ trang. Mà trong cuộc đua đó, “cái bẫy” thực sự nằm ở yếu tố giá rẻ.
Điểm nổi bật khiến thiết bị bay không người lái thế hệ mới của Trung Quốc khác biệt hoàn toàn so với các mẫu khác chính là chi phí sản xuất động cơ rất rẻ.
Thông thường, động cơ cho máy bay không người lái  sử dụng trong quân sự rất đắt đỏ. Ví dụ, chiếc Northrop Grumman RQ-4 Global Hawk chạy bằng động cơ AE3007 do Rolls-Royce sản xuất với giá lên tới gần 4 triệu USD. Hơn nữa, chi phí bảo dưỡng và sửa chữa rất đắt đỏ.
Tuy nhiên nhờ những đột phá công nghệ trong thời gian gần đây, quân đội Trung Quốc đã có thể chế tạo ra những động cơ có hiệu suất siêu cao với mức chi phí chưa bằng 1/5 giá quốc tế. Thông tin này được nhà vật lý Zhu Junqiang chia sẻ trong 1 bài thuyết trình về dự án hôm 19/10.
Khi các thiết bị này được triển khai với số lượng lớn, khoảng cách giá sẽ tạo ra chênh lệch rất lớn trong số tiền phải chi cho ngân sách quốc phòng.
Thực chất thì Trung Quốc là người đến sau về công nghệ động cơ phản lực. Gần đây chiến đấu cơ tang hình J20 của Trung Quốc mới được trang bị động cơ made in China. Vì lý do kinh tế và an toàn, máy bay chở khách thương mại C919 do nước này sản xuất vẫn đang sử dụng động cơ của nước ngoài.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực quân sự, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc có nhiều cơ hội để thử nghiệm hơn. Theo Zhu, Trung Quốc đã phát triển được động cơ phản lực cánh quạt nhỏ gọn chỉ có một trục duy nhất đầu tiên trên thế giới.
Hiện nay hầu hết các loại động cơ phản lực cánh quạt sử dụng nhiều trục để truyền lực. Ví dụ, động cơ của Global Hawk sử dụng hai trục được kết nối bằng một hộp số phức tạp.
Chi phí sản xuất siêu thấp không phải là điểm ưu việt duy nhất. Động cơ thế hệ mới có hiệu suất tổng thể cao và quá trình bảo dưỡng, sửa chữa dễ dàng. ĐỒng thời còn tiêu thụ lượng nhiên liệu ít hơn 1/3 so với động cơ 2 trục. Vì số lượng chi tiết máy ít hơn tới 70%, chi phí bảo dưỡng cũng giảm đi đáng kể.
Tổng cộng chi phí mua và vận hành những thiết bị này giảm khoảng 80% so với thông thường.
Các khách hàng quân sự thường sẵn sàng chi nhiều tiền hơn so với dân sự. Tuy nhiên các thiết bị bay phản lực không người lái thường được phân loại là các tài sản có giá trị cao. Kể cả Mỹ, nước có ngân sách cho quân sự cao hơn nhiều nước khác cộng lại, cũng chỉ có thể mua 42 chiếc Global Hawks với giá mỗi chiếc là 130 triệu USD.
Theo Zhu, cơ hội từ động cơ phản lực thế hệ mới sẽ giúp Trung Quốc khởi xướng một cuộc chạy đua gây gánh nặng tài chính đáng kể cho Mỹ. “Đây sẽ là cuộc chiến vì tiền bạc”, Zhu nói.
Hồi cuối tháng 8, Lầu Năm Góc đã đưa ra sáng kiến Replicator nhằm tăng ồ ạt số lượng máy bay không người lái. Người ta thường tin rằng Mỹ vẫn đi trước Trung Quốc về công nghệ máy bay không người lái quân sự. Nhưng thiết bị của Mỹ hoạt động ở tốc độ tương đối thấp và ở độ cao thấp.
Những vấn đề này vẫn khiến các kỹ sư hàng không đau đầu trong nhiều thập kỷ. Nguyên nhân là do giới hạn kỹ thuật của động cơ. Máy bay cũng khó có thể bay ở độ cao trên 20.000 mét do không khí quá loãng. Tuy nhiên Zhu cho biết họ đã giải quyết những vấn đề này bằng một số cải tiến công nghệ, bao gồm cả việc cải tổ chưa từng có về thiết kế buồng đốt.
Kết quả là, quân đội Trung Quốc hiện đang sử dụng máy bay không người lái siêu âm có thể bay quãng đường dài ở độ cao 20.000 mét trở lên.
Nhóm của Zhu đang xây dựng một cơ sở rộng bằng 24 sân bóng đá để hỗ trợ phát triển máy bay không người lái thế hệ tiếp theo.