Trung Quốc đang khai thác và nhập khẩu nhiều than đá hơn khi đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ nhất trong sáu thập kỷ qua đã ảnh hưởng đến thủy điện - nguồn điện lớn thứ hai của quốc gia này. Từ đó, gây ra tình trạng thiếu điện tại các tỉnh phía Nam.
Nắng nóng kỷ lục tại Trung Quốc đã gây ra tình trạng hạn hán kéo dài, ảnh hưởng đến 6 tỉnh ven sông và gây ra tác động trực tiếp đến việc cung cấp nước cho hàng chục nghìn người và buộc phải đóng cửa các nhà máy ở một số tỉnh để bảo toàn nguồn cung cấp điện.
Tứ Xuyên, tỉnh thành nổi tiếng với nguồn nước phong phú và chiếm 21% lượng thủy điện của Trung Quốc, đã phải ghi nhận công suất thủy điện của nước này giảm 50% trong tháng này. Đợt nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, đẩy lưới điện của khu vực đến bờ vực quá tải.
Nắng nóng kỷ lục gây ra tình trạng hạn hán, thiếu điện nghiêm trọng ở Trung Quốc
Kể từ khi Tứ Xuyên cung cấp điện cho các khu vực khác của Trung Quốc thì tình trạng thiếu hụt thủy điện đã ảnh hưởng đến nhiều thành phố ở phía đông của đất nước bao gồm cả Thượng Hải.
Để giảm bớt tình trạng khủng hoảng điện, Trung Quốc đã tăng cường sản lượng và nhập khẩu than để sản xuất điện.
Trên toàn quốc, các nhà máy điện đã đốt 8,16 triệu tấn than nhiệt mỗi ngày trong hai tuần đầu tiên của tháng 8, dự đoán tăng 15% so với năm 2021.
Theo số liệu thống kê gần đây của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, vào ngày 3/8, số lượng tiêu thụ than nhiệt hàng ngày đạt mức cao kỷ lục 8,5 triệu tấn.
Trung Quốc hiện đang phụ thuộc vào than để sản xuất điện. Chỉ trong tháng 7, sản lượng điện từ than tăng 22% so với tháng 6, chiếm 69% tổng sản lượng. Năm ngoái, nhiệt điện than chỉ chiếm 67,4% nguồn cung điện của Trung Quốc.
Tập đoàn Công nghiệp Than Tứ Xuyên, công ty khai thác than lớn nhất của tỉnh, đã tăng gấp đôi sản lượng than nhiệt lên gần 15.000 tấn mỗi ngày kể từ giữa tháng 8 để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của quốc gia triệu dân.
Sichuan Guang'an Power Generation, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất khu vực, cũng đã tăng sản lượng điện lên 170% trong tháng này, so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo một bài báo đăng ngày 23/8, chính phủ Tứ Xuyên nhận định: nhà máy điện dự kiến sản lượng điện của tháng 8 sẽ tăng 313% so với năm ngoái.
Vào ngày 19/8, tỉnh Tứ Xuyên cũng khai trương khu dự trữ than quốc gia đầu tiên tại thành phố Quảng An. Dự đoán, khi công trình hoàn tất có thể cung cấp 6 triệu tấn than đá mỗi năm.
Ngoài ra, chính quyền tỉnh Tứ Xuyên cũng đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các nhà máy trong 11 ngày - đến hết ngày 25/8 để đối phó với tình trạng suy thoái nguồn điện.
Trung Quốc tìm cách "thoát nạn" dùng than để sản xuất điện
Ngày 24/8 Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết: Bắc Kinh sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho việc sản xuất điện than vào "thời điểm quan trọng" này để đảm bảo rằng "không có sự cố trong việc cung cấp điện."
Quốc gia này cũng đang mua nhiều than hơn từ các nước khác, đặc biệt là Nga, vào thời điểm các nước phương Tây đang né tránh Moscow về cuộc xâm lược Ukraine.
Theo thống kê hải quan công bố ngày 20/8 cho thấy, Trung Quốc đã nhập khẩu 7,42 triệu tấn than từ Nga vào tháng trước, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là con số hàng tháng cao nhất kể từ khi thống kê so sánh bắt đầu vào năm 2017.
Các nhà phân tích từ Guotai Jun'an Securities, một công ty môi giới có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết trong một báo cáo đầu tuần này, tình trạng thiếu điện hiện nay đã chứng minh rằng than đá giải pháp tối ưu giúp Trung Quốc "thoát nạn" thiếu điện do hạn hán kéo dài.
Sự sụt giảm về thủy điện khiến Trung Quốc phụ thuộc nhiều hơn vào than đá, đồng thời mong đợi nhiều nhà máy điện than sẽ được xây dựng nếu thời tiết khắc nghiệt vẫn tiếp diễn trong tương lai.
Các nhà phân tích của Capital Economics cũng kỳ vọng Trung Quốc sẽ thúc đẩy sản lượng than và tăng nhập khẩu để lấp đầy khoảng trống.
Giá cà phê năm 2025: Một cơn bão đang hình thành hay một nền tảng ổn định? 
Ảnh 360 độ hồ Đầm Bài: ‘Nguồn nước sạch chiến lược’ của Hà Nội