Trung Quốc tung gói giải cứu thị trường bất động sản lớn chưa từng thấy, chính thức nới lỏng hạn chế mua căn nhà thứ hai
150 triệu người ở Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, chi phí lãi suất trung bình hằng năm của họ sẽ giảm khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.
Theo một số chuyên gia kinh tế, giải cứu bất động sản  là con đường tốt nhất để đưa kinh tế Trung Quốc đi đúng hướng và tăng trưởng 5% trong năm nay - mục tiêu được Chính phủ đề ra. Họ cho rằng Bắc Kinh cần quyết liệt hơn trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ thị trường bất động sản.
Thay đổi tư duy
“Cần có sự thay đổi hoàn toàn trong tư duy thì mới có thể phá vỡ vòng xoáy giảm phát. Bắc Kinh cũng cần nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn để không làm GDP danh nghĩa sụt giảm”, Raymond Yeung, Kinh tế trưởng về Trung Quốc đại lục của Ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd. (ANZ) nhận định.
Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm đã làm “bốc hơi” khoảng 18 nghìn tỷ USD khỏi tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc.
Đây là thách thức lớn nhất mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Cuộc khủng hoảng này đã lấy đi 18 triệu việc làm, kéo niềm tin của người tiêu dùng cũng như nhu cầu của nhiều sản phẩm như thép đi xuống.
Tuy nhiên, 4 tháng sau khi Bắc Kinh công bố nỗ lực lớn nhất nhằm hồi sinh thị trường bất động sản, tốc độ giải ngân của các chương trình, bao gồm chương trình hỗ trợ vốn 300 tỷ nhân dân tệ (42,5 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (BPOC) để giải phóng nhà ế trên thị trường vẫn diễn ra chậm chạp.
Theo các nhà phân tích, để xử lý lượng bất động sản tồn kho trên thị trường, chương trình nói trên thiếu khoảng 1-5 nghìn tỷ nhân dân tệ nữa.
Đó là chưa tính tới việc chương trình này kém hấp dẫn với các chính quyền địa phương. Hồi tháng 5, Chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi hơn 200 thành phố mua nhà ế trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên, 3 tháng đã trôi qua, chỉ có 29 địa phương hưởng ứng lời kêu gọi này.
Trung Quốc  đã từ chối một đề xuất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về việc sử dụng gần 1 nghìn tỷ USD từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ hoàn tất nhà xây dở trên thị trường với quy mô lớn. Đề xuất này được cho là rủi ro và quá tốn kém.
Bất động sản có thể tiếp tục “điêu đứng” trong vài năm tới?
Nếu không có một đợt kích thích hiệu quả, GDP thực của kinh tế Trung Quốc được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng 4,8% trong năm nay – theo dự báo bình quân của một số nhà kinh tế tham gia khảo sát.
Đây là mức thấp trong khoảng mục tiêu do Bắc Kinh đặt ra. Tuy nhiên, tăng trưởng danh nghĩa – chỉ số tính tới cả tác động của tình trạng giá cả giảm – được dự báo sẽ thấp hơn nhiều, ở mức 4,25%.
Cuộc khảo sát cho thấy, nếu không hỗ trợ thị trường bất động sản, các biện pháp hỗ trợ sẽ kém hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế. Trong khi đó, khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc được dự báo sẽ kéo dài từ 2-5 năm nữa, 8 nhà kinh tế tham gia khảo sát nhận định.
Phía Trung Quốc đang cân nhắc nhiều biện pháp khác nhau để vực dậy thị trường bất động sản, bao gồm việc cho phép chính quyền địa phương mua nhà ế bằng nguồn tiền huy động được qua phát hành trái phiếu đặc biệt, giảm lãi suất với các khoản vay thế chấp chưa thanh toán và bỏ một số quy định hạn chế với người mua nhà.
Giá nhà tháng 8 tại Trung Quốc tiếp tục giảm 0,73% so với tháng 7, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2014. Điều này cho thấy các gói giải cứu không thể ngăn được đà suy giảm của thị trường.
Trong khi đó, đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục sụt giảm ở mức 2 con số. Ngoài ra, tiêu dùng cũng giảm mạnh hơn dự báo, trong khi hoạt động sản xuất đang trải qua giai đoạn sụt giảm dài nhất kể từ năm 2021.
Gói giải cứu bất động sản lớn chưa từng thấy
Trong bối cảnh nỗi lo bao trùm thị trường, theo thông tin mới nhất, Trung Quốc đã công bố gói giải cứu lớn nhất từ trước đến nay để vực dậy thị trường bất động sản.
Cụ thể, phát biểu tại buổi họp báo ngày 24/9, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng cho biết nước này sẽ giảm chi phí đi vay đối với số nợ vay thế chấp mua nhà trị giá 5.300 tỷ USD và nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai. Được biết, tỷ lệ trả trước khi mua căn nhà thứ hai sẽ giảm từ 25% xuống còn 15%.
Theo đó, có 150 triệu người ở Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ chính sách này, chi phí lãi suất trung bình hằng năm của họ sẽ giảm khoảng 150 tỷ nhân dân tệ.
Các động thái này diễn ra khi các nhà kinh tế tại ngân hàng UBS, JPMorgan và Bank of America dự đoán rằng Trung Quốc sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
>> Trung Quốc ra hàng loạt quyết định mới sau động thái hạ lãi suất mạnh tay của Fed